Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni 1. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 2. Nam mô a rị da 3. Bà lô yết đế thước bát ra da 4. Bồ Đề tát đỏa bà da 5. Ma ha tát đỏa bà da 6. Ma ha ca lô ni ca da 7. Án 8. Tát bàn ra phạt duệ 9. Số đát na đát tỏa 10.Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da 11.Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà 12.Nam mô na ra cẩn trì 13.Hê rị, ma ha bàn đa sa mế 14.Tát bà a tha đậu du bằng 15.A thệ dựng 16.Tát bà tát đa (Na ma bà tát đa) 17.Na ma bà dà 18.Ma phạt đạt đậu đát điệt tha 19.Án. A bà lô hê 20.Lô ca đế 21.Ca ra đế 22.Di hê rị 23.Ma ha bồ đề tát đỏa 24.Tát bà tát bà 25.Ma ra ma ra 26.Ma hê ma hê rị đà dựng 27.Cu lô cu lô yết mông 28.Độ lô độ lô phạt xà da đế 29.Ma ha phạt xà da đế 30.Đà ra đà ra 31.Địa rị ni 32.Thất Phật ra da 33.Giá ra giá ra 34.Mạ mạ phạt ma ra 35.Mục đế lệ 36.Y hê di hê 37.Thất na thất na 38 A Ra sâm Phật ra xá lợi 39.Phạt sa phạt sâm 40.Phật ra xá da 41.Hô lô hô lô ma ra 42.Hô lô hô lô hê rị 43.Ta ra ta ra 44.Tất rị tất rị 45.Tô rô tô rô 46.Bồ Đề dạ Bồ Đề dạ 47.Bồ đà dạ bồ đà dạ 48.Di đế rị dạ 49.Na ra cẩn trì 50.Địa rị sắc ni na 51.Ba dạ ma na 52.Ta bà ha 53.Tất đà dạ 54.Ta bà ha 55.Ma ha tất đà dạ 56.Ta bà ha 57.Tất đà du nghệ 58.Thất bàn ra dạ 59.Ta bà ha 60.Na ra cẩn trì 61.Ta bà ha 62.Ma ra na ra 63.Ta bà ha 64.Tất ra tăng a mục khê da 65.Ta bà ha 66.Ta bà ma ha a tất đà dạ 67.Ta bà ha 68.Giả kiết ra a tất đà dạ 69.Ta bà ha 70.Ba đà ma kiết tất đà dạ 71.Ta bà ha 72.Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ 73.Ta bà ha 74.Ma bà rị thắng yết ra dạ 75.Ta bà ha 76.Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 77.Nam mô a rị da 78.Bà lô kiết đế 79.Thước bàn ra dạ 80.Ta bà ha 81.Án. Tất điện đô 82.Mạn đà ra 83.Bạt đà gia 84.Ta bà ha. ***Nam Mô Quan Thê Âm Bô Tát*** !

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

VÔ NGẠI !





Mandala
VÔ NGẠI !
THƠ MỜI HỌA
CÒN THỞ NGỬA VAY SƯƠNG MẶT ĐẤT
TẮT HƠI CÚI TRẢ GIÓ GẦM TRỜI!
Tung Hoành Trục Khoán

CÒN nhiều hoa cỏ cứ đùa chơi
THỞ mượn hư không với cuộc đời
NGỬA bớt sầu bi cho nhẹ bạn
VAY thêm hoan hỷ để êm người
SƯƠNG phơi sóng sánh màu thanh đạm
MẶT giấu hao gầy sắc nhuận tươi
ĐẤT dẫu đổi thay lòng chẳng ngại
TẮT HƠI CÚI TRẢ GIÓ GẦM TRỜI
Lê Đăng Mành

CÁC BÀI HỌA
1-HỮU DUYÊN

Dù chưa vàng đá thề non nước
Cũng đủ sắt son mộng đất trời
Tung Hoành Trục Khoán

đó nỡ đành bỏ cuộc chơi
CHƯA say sao đã nhạt men đời
VÀNG phai mấy độ ôm tròn kiếp
ĐÁ nát bao phen gửi lại người
THỀ cũ đà hoen màu huyễn ảo
NON xanh há thẹn nắng hồng tươi
NƯỚC trôi dẫu chẳng mong về biển
CŨNG ĐỦ SẮT  SON MỘNG ĐẤT TRỜI
Nguyễn Gia Khanh
2-NHƯ XUÂN

Tung Hoành Trục Khoán
ĐÃ BAO SƯƠNG GIÓ TÌNH NHÂN THẾ
VẪN MỘT LÒNG XUÂN VỚI ĐẤT TRỜI.

Đà trót theo cùng giấc mộng chơi
BAO  phen xuôi ngược chốn cung đời.
SƯƠNG mờ nhân ảnh buông tay chợ
GIÓ bạt thềm mây chạnh kiếp người.
TÌNH  có ươm mầm lên sắc thắm
NHÂN không bòn đức nhạt son tươi.
THẾ nên trong cõi trần gian ấy,
VẪN MỘT LÒNG XUÂN VỚI ĐẤT TRỜI.
New Orleans, 25.4.2015.
Mặc Phương Tử
3-AN NHIÊN TỰ TẠI
Tung Hoành Trục Khoán

 CÒN làn thu nguyệt mãi choàng chơi
 THỞ đượm miên man vọng khúc đời
NGỬA cánh thơ lòng ngan ngát sợi
 VAY cung phím mộng thiết tha người
SƯƠNG chầm nẻo ái hồn mơn rượi
MẶT áp hoa triền dạ duỗi tươi
 ĐẤT cũng hoan tình lâng tuổi mới
 TẮT HƠI CÚI TRẢ GIÓ GẦM TRỜI!
                          Diệp Kiếm Anh
4-PHẬN CÒ

THÂN CÒ LẶN LỘI BỜ AO MÃI
GIẢI YẾM ĐÀO GIĂNG CÓ THẤU TRỜI?
Tung Hoành Trục Khoán
THÂN gầy phận mỏng dám nào chơi
 lại luôn mơ mộng đổi đời
LẶN biển từng nghe e rợn gáy
LỘI sông đã trải cũng ghê người
BỜ quen sải cánh tìm nơi đẹp
AO lạ vươn mình kiếm chốn tươi
MÃI còn dang dở thôi đành hỏi:
GIẢI YẾM ĐÀO GIĂNG CÓ THẤU TRỜI?
Phan Tự Trí
5-KIẾP NHÂN SINH

(hoạ bốn vần)
CHƯA nếm trải mùi...tiếp cuộc chơi
TRÒN bao niên kỷ giữa trường đời
THÂN ta khó gặp - tuỳ thai xứ
PHẬN số khôn sinh - được mạng người
TRẦN thế đão điên - nhân đức cạn
GIAN manh xã hội - nghĩa tình vơi
CẢNH Tây phương Phật tâm đang hướng
CŨNG ĐỦ NHÂN DUYÊN VỚI ĐẤT TRỜI
Hồ Trọng Trí
6-MỘNG CHƠI
  BẠN đã xa rồi tiếc mộng chơi 
XƯA nay mến đạo lại yêu đời 
CHỪ đây ngõ hạnh buồn cô lẻ 
BỎ mặc vườn thơ thiếu bóng người 
ĐI mãi tình xưa đành héo nhạt 
ĐÂU còn nghĩa cũ đậm nồng tươi 
VẮNG em ngày tháng ai tâm sự 
ĐỂ một mình ta sống cuối trời 
Trần Ngộ
7-Y ĐỀ 
CÒN cơm còn áo vãn còn chơi 
THỞ hít buồn vui của cuộc đời. 
NGỬA phận bút nghiên xa tránh quỷ 
VAY hồn sông núi thuận nuôi người. 
SƯƠNG buông hôm sớm dù gây lạnh 
MẶT suốt tháng ngày vẫn giữ tươi 
ĐẤT bảo yên tâm mà . . . thế . . .thế . . . 
TẮT HƠI CÚI TRẢ GIÓ GẦM TRỜI !
Trần Như Tùng
8-Ế THƠ
Thơ văn chữ nghĩa dương trần ế
Ta sẽ lại lên gặp lão Trời

THƠ Đường thử hỏi mấy người chơi
VĂN phú càng thêm chán mớ đời
CHỮ tín bây giờ đâu chốn giữ
NGHĨA nhân từ độ khối vùng lơi
DƯƠNG gian dưỡng mẹ lo hơn thiệt
TRẦN thể thờ cha tính lỗ lời
mãi thế này e hẳn đói
TA sẽ lại lên gặp lão trời
Huy Vụ
9-THỎA LÒNG
Cõi trần hạnh phúc thân tâm thỏa
Gửi mối lo âu phó mệnh trời.

CÕI tạm ta bà mải miết chơi!
TRẦN gian nặng gánh gát bên đời
HẠNH lành ươm hạt từ muôn kiếp
PHÚC rộng trao tay đến mọi người
THÂN hỷ trở về thăm chốn cũ
TÂM an trò chuyện nhấp chè tươi
THỎA niềm mơ ước thôi phiền não
GỬI MỐI LO ÂU PHÓ MỆNH TRỜI.
Như Thu
10-VẮT NGANG TRỜI

ƯỚC VỌNG HÃY CÒN VƯƠN QUÁ NÚI
MƠ MÀNG CAO VÚT VẮT NGANG TRỜI

ƯỚC ao thật đẹp một sân chơi
VỌNG tưởng chiều xuân trải mộng đời
HÃY để tâm can vào nghĩa khí
CÒN vương thân thế đến con người
VƯƠN xa tầm mắt nhìn bao quát
QUÁ rộng tấm lòng thấy sáng tươi
NÚI lở non mòn chân chẳng mỏi
MƠ MÀNG CAO VÚT VẮT NGANG TRỜI
Lê Viên Ngọc

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

ĐỨC PHẬT VỀ NHÂN BẢN & GIÁC NGỘ.





ĐỨC PHẬT VỀ NHÂN BẢN & GIÁC NGỘ.
 
Mãi cho đến tháng 12 năm 1999 mới được công nhận và tuyên bố Đại lễ Phật Đản Quốc tế (lễ Vesak – Tam hợp) tại trụ sở Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York City (Hoa Kỳ) vừa qua.

Mặc dù Đức Phật đã xuất hiện trên hành tinh trái đất mà chúng ta đang có mặt nầy đã hơn 2.559  năm về trước, và hiện nay đang bước sang thập niên thứ 2 của thế kỷ thứ 21. Thế kỷ mà phần nhiều mọi người đều cho rằng : sự vươn mình lên tầm đỉnh phát triển khoa học, kỷ thuật, văn minh trong đời sống xã hội con người, và cũng có một số quan điểm cho rằng : thời kỷ phát triển của “Văn hóa tâm linh” từ các thể thức tôn giáo, trong đó có phần phát biểu của người theo Đạo Phật.

Tổ chức Liên Hiệp Quốc dù không công bố hay chưa có cơ hội công bố, thì giáo lý Đức Phật nghiễm nhiên từ xa xưa cho đến ngày nay cũng đã trở thành một Thông Điệp tình thương, bình đẳng và trí tuệ, luôn thể hiện tính cách tôn trọng sự sống, không những cho loài người mà còn cho cả muôn loài. Nhất là giữa con người với con người khi được có mặt trong cộng đồng xã hội, mà trước đây là xã hội phân chia giai cấp một cách rạch ròi của Ấn Độ, khi ấy Đức Phật đã tuyên bố :

“Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ,
trong dòng nước mắt cùng mặn.”

Càng tiến xa hơn, như một tuyên ngôn giải phóng và giải thoát những điều đã và đang đè nặng một cách lầm lỳ chấp thủ cố hữu của một lớp người không những trước đây và ngay cả bây giờ, một khi họ đang đứng trong giai cấp, hay dòng họ nào đó, và nhìn sang một giai cấp, dòng họ khác bằng một cái nhìn thiển cận thấp kém, có chiều xu hướng theo truyền thống, tập tục.v.v… nhẹ tưng bởi từ những chất liệu thiếu ý thức nhân tính. Chính vì lẽ đó mà Đức Phật, lại một lần nữa xác định tính nhân bản trong đạo lý từ bi và trí tuệ của Ngài :

“ Bần tiện không vì sanh,
 Phạm chí không vì sanh,
 Do hành sanh bần tiện,
Do hành sanh Phạm chí.”.
                                       Kinh Tiểu bộ I

Và cũng chính bắt đầu từ đó, giáo lý Đức Phật như một hệ thống thanh lọc dẫn máu để nuôi dưỡng sự sinh tồn toàn mãn đến cơ thể của nhân loại đã có tự ngàn xưa và cho đến tận ngàn sau nữa. Do đó, trước khi tổ chức Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố Phật đản Quốc tế, chúng ta có dịp nghe những lời phát biểu hữu ích từ các nhà thức giả về Đức Phật như sau : “ Tinh hoa của Đạo Phật là cho con người có được Hòa bình, Từ bi, Thông cảm, Hiểu biết, Bất bạo động và Bình đẳng” (Narendra Bikrana Shait). 

Tất cả những cốt lõi ấy từ hơn 2.500 năm nay, đã thật sự tác động và tưới tẫm lên hằng triệu triệu tâm hồn trong mọi lảnh vực sinh hoạt từ xã hội của con người, và do con người bằng nhận thức hiểu biết trước sự vận hành của thế giới vật chất, một quỷ đạo gần như duy nhất mà tất cả mọi sinh loại đã và đang sống hay sẽ sống phải bị rơi vào trục quay cuốn cuồn điên đảo, bởi do lực hấp dẫn cảm thụ, nguyên nhân phát sinh mọi khổ đau, và cũng từ đó lại tạo thêm nhiều khổ pháp theo từng chập ác tư duy ngay thời gian hiện tại.

Trở lại vấn đề Nhân Bản; đó là tinh thần đạo đức bao dung, tự do hòa hợp từ trong lương tâm đến và cho sự cộng sinh của nhân loại. Xét thấy tính Nhân Bản hay Nhân Văn, nó phải được vượt thoát ra ngoài hình thức lề lối biện hộ về phong tục, tín ngưỡng.v.v…  Nó chỉ được nói đến hay tán đồng bởi từ những nhận thức về chất liệu thiện chí hiểu biết đạo đức, kết nối lương tri và lương tâm qua cộng đồng của con người. Tính Nhân Bản ấy được xem là giải pháp tồn tại lâu dài cho nhân loại, và tất nhiên không thuộc phạm vi giáo điều mặc khải, hay sự ước lệ quyết đoán nhân danh của một thần linh huyền ký nào.

Từ lảnh vực hoạt động trong xã hội con người, nhất là trong những thời kỳ cận đại và hiện đại nầy, tinh thần nhân bản được hiểu qua một số ý nghĩa như sau :

1/- Thực tính Tình thương và Hạnh Phúc
2/- Đề cao phẩm chất con người.
3/- Tôn trọng sự phát triển khả năng kiến thức của con người.
4/- Tôn trọng tính sáng tạo
5/- Tôn trọng và đề cao sự hiền thiện của con người.

Trong khi tính Nhân bản ngày càng phát triển và tôn trọng trong xã hội, cũng chính là sự phát triển ý thức trong sáng tự do, bình đẳng, hạnh phúc và nhân phẩm bằng ý tưởng lành mạnh được ngang qua chiều hướng thượng. Do đó, việc họa phước, lành dữ, tốt xấu.v.v… không tự dưng ai ban cho hay giáng đến, mà là do ;

“Họa phúc vô môn
Duy nhơn tự triệu”.

Cùng thế ấy, với sự cảnh tỉnh qua lời dạy của Ngài Bồ tát Shantideva (Tịch Thiên) :
“Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó, ta liền giữ chánh niệm, như cây bám chặt rễ vào đất” (Nhập Bồ Tát Hạnh – 34).

Đây là một trong những yếu tố nhân bản, mà cũng là ý thức giác ngộ giữa muôn trùng pháp duyên sanh diệt nơi thế gian để đưa đến hạnh phúc hay đau khổ, hiển thị tình thương hay hận thù… Thế nhưng, trước bao sự kiện và hiện tượng trong cuộc sống luôn chuyển động không ngừng thay đổi theo từng chập thời gian sanh hóa và tiêu tàn. Đồng thời, kiến thức nó luôn phân định, so sánh bởi những tư duy chủ nghĩa, tôn giáo, tông phái , đảng phái, chủng tộc, ta người. Nó luôn là sự chất chồng kết tập để trở thành thói quen nô lệ, kết quả từ dục tham, dục tưởng mà ra. Chính nó là đặc tính từ lòng tham lam, nó luôn là sự phân biệt khách chủ, vinh nhục, được mất, tốt xấu, đòi hỏi và từ chối, phấn khởi và thất vọng.v.v… rồi dẫn đến những cuộc đấu tranh, khổ vui, xây dựng và tàn phá…

Gần đây, có cụm từ được đề cập khá phổ biến, đó là : “Văn hóa tâm linh” , một khi có cơ hội kiến tạo một cảnh quan du lịch mà trong đó có chịu phần ảnh hưởng đến hình thức tín ngưỡng, hay xây dựng một bảo tượng Đức Phật, Bồ Tát.v.v… thì được xem đó là thời kỳ phát triển “Văn hóa Tâm Linh” hay “Du lịch Tâm linh”. Thiết nghĩ, “văn hóa tâm linh, hay du lịch tâm linh” không phải chỉ có cách nghĩ đơn thuần qua hiện tượng như thế, nói một cách khác; nó có thể trở thành cái vỏ khổng lồ mà thực chất bên trong là trống ruột.

Điều ấy cho chúng ta thấy rằng : Nó phải được nhiếp tâm tu tập, có mang lại hệ quả và hiển lộ của sự tu tập, nó phải được thành tựu phạm hạnh  qua các pháp của bậc Thánh, hay đang lạc trú từ các pháp của bậc hữu học từ phía tác nhân. Tức nhiên, nó phải được vuợt thoát ngoài vòng lẩn quẩn tính toán lợi hại hơn thua.v.v… Khi một trong những ý niệm ấy có manh nha trong việc kiến tạo, xây dựng nói trên, bấy giờ chưa thật sự đúng nghĩa “Văn hóa tâm linh” .

Một điểm khác nữa, cho rằng thời kỳ phát triển Văn hóa tâm linh, ở đây chúng ta có thể nói rằng; hiện nay là thời kỳ mà chúng ta đang phát tâm hướng vọng, chiêm ngưỡng, lễ bái đến sự thành tựu “Văn hóa tâm linh” từ Đức Phật, Chư Bồ Tát, Lịch Đại Tổ Sư, Thiền sư, và các bậc tiền hiền trước đây đã để lại như một công trình siêu vượt vĩ đại cho vũ trụ và nhân sinh. Chúng ta có thể hiểu qua công trình vĩ đại tâm linh ấy, như :

“Với ai các tùy miên
Hoàn toàn không hiện hữu
Các nguồn gốc bất thiện
Được nhỗ lên trừ sạch…” Kinh Tiểu bộ 1.

Những pháp có năng lực đem lại sự thanh tịnh, bình an trong suốt, phải được minh chứng ngang qua hành động sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống, nó không còn là ngôn thuyết cho lý tưởng, mà nó phải là hiện thực tại đây và bây giờ. Một hôm tại khu rừng Gosinga, nơi đây có chư Thánh đệ tử của Phật, và được hỏi đến, làm thế nào để được chói sáng khu rừng Gosinga nầy ? Một trong những Tôn giả, đó là Ngài Ananda  trả lời như sau : “… vị tỷ kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe… Nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh… những pháp ấy được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát… Với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên… Tỷ kheo nầy có thể làm chói sáng khu rừng Gosinga nầy” (Trung Bộ 1, 32).

Như vậy, “…Với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên…”  chính là những diệu pháp, thắng pháp để xây dựng nền tảng vĩ đại “Văn hóa tâm linh”. Từ khi Phật và chư Thánh đệ, cũng như chư lịch đại Tổ Sư, Thánh Tăng, các bậc tiền hiền đã nhập diệt đến nay. Nhưng vẫn luôn thắp sáng, rực sáng bằng những diệu pháp thù thắng, thường hằng đem lại nguồn lạc pháp thanh tịnh bình an, vượt thoát mọi khổ đau cho chúng sanh, chư thiên, và loài người đều khởi nguồn từ Văn hóa tâm linh ấy.

Để kết thúc bài viết hướng về ngày Đức Phật thị hiện vào đời, chúng ta cùng đọc lại lời dạy của Đức Phật như sau : “...Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với các loài sinh vật.”
                                                                                        (Trung Bộ I, 1).

Ít nhiều qua sự cảm nhận chơn lý sâu xa ấy trong mỗi lúc, đó cũng chính là Đức Phật luôn thị hiện và du hóa vào đời, chớ không phải chỉ một lần cách đây trên 2.500 trước.

                                                      Louisiana, New Orleans,  15.04. 2015.
                                                                                    TUỆ NHƯ (MẶC PHƯƠNG TỬ)
 

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

AN NHIÊN!



AN NHIÊN!

Ném đời vào giữa đảo điên
Hương vô ưu tỏa não phiền như không!
Tánh không trụ cửa bụi hồng
Mây phi tướng rụng hiện nguồn như lai

Vọng cầu chi ngõ tương lai
Cây quá khứ chết gốc mai một rồi
Hiện tại mầm nhú đây thôi
Nụ an lạc nứt kết chồi bình yên

Nhập cuộc dẫu gánh oan khiên
Nuôi ba tuệ  dưỡng cây thiền đơm bông
Nhìn mây chết đuối bên dòng
Nhìn ta trôi giữa bềnh bồng tàn phai

Cầm đan nỗi khổ trên tay
Lùa cơn mộng cũ phơi ngoài ruộng mơ
Vườn xưa vun quén trồng thơ
Mực cô tịch vẫy chạm bờ an nhiên!
LĐM


Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

MA TÔI!



MA TÔI!

Theo Làng tảo mộ Thanh minh
Mà nghe hương khói điêu linh lềnh bềnh!
Cô hồn níu gót dợm quanh
Ma phiêu lãng giục chơi nhanh nhớ về…

Mắc chi Kiều phải nhiêu khê
Kết hồn ma nữ kéo lê đoạn trường
Xâu cốt nhục chuỗi tang thương
Cột tình đắm đuối gặm chương đọa đày!

Hồn ta rúc gió giêng hai
Lạnh bòn hớp cháo giữa đài chiêu linh
Thử đưa tay dắt vía mình
Rong chơi nghĩa địa với tinh yêu này

Giá mà còn có mai đây
Dẫu côi cút giữa tháng ngày quạnh hiu
Ma hiền một cõi phiêu diêu
Tung tăng lãm nguyệt hồn tiêu dao ...hề!
LĐM