ĐỨC PHẬT VỀ NHÂN BẢN & GIÁC NGỘ.
Mãi cho đến tháng 12 năm 1999
mới được công nhận và tuyên bố Đại lễ Phật Đản Quốc tế (lễ Vesak – Tam hợp) tại
trụ sở Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York City (Hoa Kỳ) vừa qua.
Mặc dù Đức Phật đã xuất hiện
trên hành tinh trái đất mà chúng ta đang có mặt nầy đã hơn 2.559 năm về trước, và hiện nay đang bước sang thập
niên thứ 2 của thế kỷ thứ 21. Thế kỷ mà phần nhiều mọi người đều cho rằng : sự
vươn mình lên tầm đỉnh phát triển khoa học, kỷ thuật, văn minh trong đời sống
xã hội con người, và cũng có một số quan điểm cho rằng : thời kỷ phát triển của
“Văn hóa tâm linh” từ các thể thức tôn giáo, trong đó có phần phát biểu của
người theo Đạo Phật.
Tổ chức Liên Hiệp Quốc dù
không công bố hay chưa có cơ hội công bố, thì giáo lý Đức Phật nghiễm nhiên từ
xa xưa cho đến ngày nay cũng đã trở thành một Thông Điệp tình thương, bình đẳng
và trí tuệ, luôn thể hiện tính cách tôn trọng sự sống, không những cho loài
người mà còn cho cả muôn loài. Nhất là giữa con người với con người khi được có
mặt trong cộng đồng xã hội, mà trước đây là xã hội phân chia giai cấp một cách
rạch ròi của Ấn Độ, khi ấy Đức Phật đã tuyên bố :
“Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ,
trong dòng nước mắt cùng mặn.”
Càng tiến xa hơn, như một
tuyên ngôn giải phóng và giải thoát những điều đã và đang đè nặng một cách lầm
lỳ chấp thủ cố hữu của một lớp người không những trước đây và ngay cả bây giờ,
một khi họ đang đứng trong giai cấp, hay dòng họ nào đó, và nhìn sang một giai
cấp, dòng họ khác bằng một cái nhìn thiển cận thấp kém, có chiều xu hướng theo
truyền thống, tập tục.v.v… nhẹ tưng bởi từ những chất liệu thiếu ý thức nhân
tính. Chính vì lẽ đó mà Đức Phật, lại một lần nữa xác định tính nhân bản trong
đạo lý từ bi và trí tuệ của Ngài :
“ Bần tiện không vì sanh,
Phạm chí không
vì sanh,
Do hành sanh
bần tiện,
Do hành sanh Phạm chí.”.
Kinh
Tiểu bộ I
Và cũng chính bắt đầu từ đó,
giáo lý Đức Phật như một hệ thống thanh lọc dẫn máu để nuôi dưỡng sự sinh tồn
toàn mãn đến cơ thể của nhân loại đã có tự ngàn xưa và cho đến tận ngàn sau
nữa. Do đó, trước khi tổ chức Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công bố Phật đản Quốc tế,
chúng ta có dịp nghe những lời phát biểu hữu ích từ các nhà thức giả về Đức
Phật như sau : “ Tinh hoa của Đạo Phật là
cho con người có được Hòa bình, Từ
bi, Thông cảm, Hiểu biết, Bất bạo động và Bình đẳng” (Narendra Bikrana
Shait).
Tất cả những cốt lõi ấy từ
hơn 2.500 năm nay, đã thật sự tác động và tưới tẫm lên hằng triệu triệu tâm hồn
trong mọi lảnh vực sinh hoạt từ xã hội của con người, và do con người bằng nhận
thức hiểu biết trước sự vận hành của thế giới vật chất, một quỷ đạo gần như duy
nhất mà tất cả mọi sinh loại đã và đang sống hay sẽ sống phải bị rơi vào trục
quay cuốn cuồn điên đảo, bởi do lực hấp dẫn cảm thụ, nguyên nhân phát sinh mọi
khổ đau, và cũng từ đó lại tạo thêm nhiều khổ pháp theo từng chập ác tư duy
ngay thời gian hiện tại.
Trở lại vấn đề Nhân Bản; đó
là tinh thần đạo đức bao dung, tự do hòa hợp từ trong lương tâm đến và cho sự
cộng sinh của nhân loại. Xét thấy tính Nhân Bản hay Nhân Văn, nó phải được vượt
thoát ra ngoài hình thức lề lối biện hộ về phong tục, tín ngưỡng.v.v… Nó chỉ được nói đến hay tán đồng bởi từ những
nhận thức về chất liệu thiện chí hiểu biết đạo đức, kết nối lương tri và lương
tâm qua cộng đồng của con người. Tính Nhân Bản ấy được xem là giải pháp tồn tại
lâu dài cho nhân loại, và tất nhiên không thuộc phạm vi giáo điều mặc khải, hay
sự ước lệ quyết đoán nhân danh của một thần linh huyền ký nào.
Từ lảnh vực hoạt động trong xã
hội con người, nhất là trong những thời kỳ cận đại và hiện đại nầy, tinh thần
nhân bản được hiểu qua một số ý nghĩa như sau :
1/- Thực tính Tình thương và
Hạnh Phúc
2/- Đề cao phẩm chất con
người.
3/- Tôn trọng sự phát triển
khả năng kiến thức của con người.
4/- Tôn trọng tính sáng tạo
5/- Tôn trọng và đề cao sự
hiền thiện của con người.
Trong khi tính Nhân bản ngày
càng phát triển và tôn trọng trong xã hội, cũng chính là sự phát triển ý thức
trong sáng tự do, bình đẳng, hạnh phúc và nhân phẩm bằng ý tưởng lành mạnh được
ngang qua chiều hướng thượng. Do đó, việc họa phước, lành dữ, tốt xấu.v.v…
không tự dưng ai ban cho hay giáng đến, mà là do ;
“Họa phúc vô môn
Duy nhơn tự triệu”.
Cùng thế ấy, với sự cảnh tỉnh
qua lời dạy của Ngài Bồ tát Shantideva (Tịch Thiên) :
“Khi một ý xấu vừa manh nha, biết ngay tai họa của nó,
ta liền giữ chánh niệm, như cây bám chặt rễ vào đất” (Nhập Bồ Tát Hạnh – 34).
Đây là một trong những yếu tố
nhân bản, mà cũng là ý thức giác ngộ giữa muôn trùng pháp duyên sanh diệt nơi
thế gian để đưa đến hạnh phúc hay đau khổ, hiển thị tình thương hay hận thù…
Thế nhưng, trước bao sự kiện và hiện tượng trong cuộc sống luôn chuyển động
không ngừng thay đổi theo từng chập thời gian sanh hóa và tiêu tàn. Đồng thời,
kiến thức nó luôn phân định, so sánh bởi những tư duy chủ nghĩa, tôn giáo, tông
phái , đảng phái, chủng tộc, ta người. Nó luôn là sự chất chồng kết tập để trở
thành thói quen nô lệ, kết quả từ dục tham, dục tưởng mà ra. Chính nó là đặc
tính từ lòng tham lam, nó luôn là sự phân biệt khách chủ, vinh nhục, được mất,
tốt xấu, đòi hỏi và từ chối, phấn khởi và thất vọng.v.v… rồi dẫn đến những cuộc
đấu tranh, khổ vui, xây dựng và tàn phá…
Gần đây, có cụm từ được đề
cập khá phổ biến, đó là : “Văn hóa tâm linh” , một khi có cơ hội kiến tạo một
cảnh quan du lịch mà trong đó có chịu phần ảnh hưởng đến hình thức tín ngưỡng,
hay xây dựng một bảo tượng Đức Phật, Bồ Tát.v.v… thì được xem đó là thời kỳ
phát triển “Văn hóa Tâm Linh” hay “Du lịch Tâm linh”. Thiết nghĩ, “văn hóa tâm
linh, hay du lịch tâm linh” không phải chỉ có cách nghĩ đơn thuần qua hiện
tượng như thế, nói một cách khác; nó có thể trở thành cái vỏ khổng lồ mà thực
chất bên trong là trống ruột.
Điều ấy cho chúng ta thấy
rằng : Nó phải được nhiếp tâm tu tập, có mang lại hệ quả và hiển lộ của sự tu
tập, nó phải được thành tựu phạm hạnh
qua các pháp của bậc Thánh, hay đang lạc trú từ các pháp của bậc hữu học
từ phía tác nhân. Tức nhiên, nó phải được vuợt thoát ngoài vòng lẩn quẩn tính
toán lợi hại hơn thua.v.v… Khi một trong những ý niệm ấy có manh nha trong việc
kiến tạo, xây dựng nói trên, bấy giờ chưa thật sự đúng nghĩa “Văn hóa tâm linh”
.
Một điểm khác nữa, cho rằng
thời kỳ phát triển Văn hóa tâm linh, ở đây chúng ta có thể nói rằng; hiện nay là
thời kỳ mà chúng ta đang phát tâm hướng vọng, chiêm ngưỡng, lễ bái đến sự thành
tựu “Văn hóa tâm linh” từ Đức Phật, Chư Bồ Tát, Lịch Đại Tổ Sư, Thiền sư, và
các bậc tiền hiền trước đây đã để lại như một công trình siêu vượt vĩ đại cho
vũ trụ và nhân sinh. Chúng ta có thể hiểu qua công trình vĩ đại tâm linh ấy,
như :
“Với ai các tùy miên
Hoàn toàn không hiện hữu
Các nguồn gốc bất thiện
Được nhỗ lên trừ sạch…” Kinh Tiểu bộ 1.
Những pháp có năng lực đem
lại sự thanh tịnh, bình an trong suốt, phải được minh chứng ngang qua hành động
sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống, nó không còn là ngôn thuyết cho lý tưởng,
mà nó phải là hiện thực tại đây và bây giờ. Một hôm tại khu rừng Gosinga, nơi
đây có chư Thánh đệ tử của Phật, và được hỏi đến, làm thế nào để được chói sáng
khu rừng Gosinga nầy ? Một trong những Tôn giả, đó là Ngài Ananda trả lời như sau : “… vị tỷ kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe… Nói
lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh… những pháp ấy được ý tư duy, được tri kiến
khéo quán sát… Với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên… Tỷ kheo nầy có thể làm chói
sáng khu rừng Gosinga nầy” (Trung
Bộ 1, 32).
Như vậy, “…Với mục đích đoạn
trừ mọi tùy miên…” chính là những diệu
pháp, thắng pháp để xây dựng nền tảng vĩ đại “Văn hóa tâm linh”. Từ khi Phật và
chư Thánh đệ, cũng như chư lịch đại Tổ Sư, Thánh Tăng, các bậc tiền hiền đã
nhập diệt đến nay. Nhưng vẫn luôn thắp sáng, rực sáng bằng những diệu pháp thù
thắng, thường hằng đem lại nguồn lạc pháp thanh tịnh bình an, vượt thoát mọi
khổ đau cho chúng sanh, chư thiên, và loài người đều khởi nguồn từ Văn hóa tâm
linh ấy.
Để kết thúc bài viết hướng về
ngày Đức Phật thị hiện vào đời, chúng ta cùng đọc lại lời dạy của Đức Phật như
sau : “...Dục hỷ là căn bản của đau khổ,
từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với các loài sinh vật.”
(Trung
Bộ I, 1).
Ít nhiều qua sự cảm nhận chơn
lý sâu xa ấy trong mỗi lúc, đó cũng chính là Đức Phật luôn thị hiện và du hóa
vào đời, chớ không phải chỉ một lần cách đây trên 2.500 trước.
Louisiana, New Orleans, 15.04. 2015.
TUỆ NHƯ (MẶC PHƯƠNG TỬ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét