Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni 1. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 2. Nam mô a rị da 3. Bà lô yết đế thước bát ra da 4. Bồ Đề tát đỏa bà da 5. Ma ha tát đỏa bà da 6. Ma ha ca lô ni ca da 7. Án 8. Tát bàn ra phạt duệ 9. Số đát na đát tỏa 10.Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da 11.Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà 12.Nam mô na ra cẩn trì 13.Hê rị, ma ha bàn đa sa mế 14.Tát bà a tha đậu du bằng 15.A thệ dựng 16.Tát bà tát đa (Na ma bà tát đa) 17.Na ma bà dà 18.Ma phạt đạt đậu đát điệt tha 19.Án. A bà lô hê 20.Lô ca đế 21.Ca ra đế 22.Di hê rị 23.Ma ha bồ đề tát đỏa 24.Tát bà tát bà 25.Ma ra ma ra 26.Ma hê ma hê rị đà dựng 27.Cu lô cu lô yết mông 28.Độ lô độ lô phạt xà da đế 29.Ma ha phạt xà da đế 30.Đà ra đà ra 31.Địa rị ni 32.Thất Phật ra da 33.Giá ra giá ra 34.Mạ mạ phạt ma ra 35.Mục đế lệ 36.Y hê di hê 37.Thất na thất na 38 A Ra sâm Phật ra xá lợi 39.Phạt sa phạt sâm 40.Phật ra xá da 41.Hô lô hô lô ma ra 42.Hô lô hô lô hê rị 43.Ta ra ta ra 44.Tất rị tất rị 45.Tô rô tô rô 46.Bồ Đề dạ Bồ Đề dạ 47.Bồ đà dạ bồ đà dạ 48.Di đế rị dạ 49.Na ra cẩn trì 50.Địa rị sắc ni na 51.Ba dạ ma na 52.Ta bà ha 53.Tất đà dạ 54.Ta bà ha 55.Ma ha tất đà dạ 56.Ta bà ha 57.Tất đà du nghệ 58.Thất bàn ra dạ 59.Ta bà ha 60.Na ra cẩn trì 61.Ta bà ha 62.Ma ra na ra 63.Ta bà ha 64.Tất ra tăng a mục khê da 65.Ta bà ha 66.Ta bà ma ha a tất đà dạ 67.Ta bà ha 68.Giả kiết ra a tất đà dạ 69.Ta bà ha 70.Ba đà ma kiết tất đà dạ 71.Ta bà ha 72.Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ 73.Ta bà ha 74.Ma bà rị thắng yết ra dạ 75.Ta bà ha 76.Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 77.Nam mô a rị da 78.Bà lô kiết đế 79.Thước bàn ra dạ 80.Ta bà ha 81.Án. Tất điện đô 82.Mạn đà ra 83.Bạt đà gia 84.Ta bà ha. ***Nam Mô Quan Thê Âm Bô Tát*** !

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

LỜI BẠT,KHA TIỆM LY !

                                                        NHÀ THƠ KHA TIỆM LY

LÊ ĐĂNG MÀNH - THƠ VÀ THƯ PHÁP

Bấy lâu nay, đọc những bài thơ Đường Luật rất chững chạc và xem những bức thư pháp của Lê đăng Mành, tôi cứ đinh ninh tác giả phải là một người lớn tuổi; nào ngờ, đọc những dòng tự giới thiệu rất đơn sơ của tác giả, tôi mới biết là anh còn trẻ: " Sinh năm 1953, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị. cựu học sinh trường Phan Sào Nam và Hàm Nghi, Huế ".Thế thôi, anh cho biết về mình chỉ có thế. Vậy mà anh đến với thơ, với bạn thơ, với cuộc đời bằng cả tấm lòng bao la, trân trọng không dễ gì tìm được trong xã hội ngày nay. Hãy đọc bài XIN THƠ mở đầu tập thơ Đường luật của anh:

XIN THƠ
Quý Tỵ chắc đây cạn số rồi
Bến bờ ngắc ngoải kiếm bè bơi
Tập mài thư pháp dâng trao bạn
Học chuốt chữ câu kính hỏi người
Còn thở: ngửa vay sương mặt đất
Tắt hơi: cúi trả gió gầm trời
Có ai thương cảm xin mời họa
Chín suối quảy về ngồi đọc chơi.


Gắn bó với thơ văn, thư pháp, trân trọng bạn thơ, yêu mến, biết ơn cuộc đời, khiêm cung trong ứng xử, vui vẻ, lạc quan...Thái độ sống gói gọn trong bài này, được thể hiện đậm nét, trải rộng trong suốt tập thơ Đường luật của anh.
Nổi bật nhất trong các tác phẩm của anh chính là QUAN NIỆM SỐNG thật nghiêm túc vì nó ảnh hưởng sâu đậm Phật Pháp,với Nho học,nên giá trị đạo đức cơ bản  luôn được tôn trọng ,chúng được thể hiện không qua những lời rao giảng khô khan mà như những lời tâm sự , chia sẻ chân tình. Nói với người mà trước tiên là tự nhắc nhở mình:



Lúc khổ cùng san lời dịu ngọt
Khi giàu hãy nhớ thuở lầm than.
( Khuyên mình )

Hãy tẩy si mê ngời ngõ tánh
Xin chùi sân hận thoáng vườn tâm.
( Xuân cát tường )

Dưỡng bón mầm bi ngời quả thiện
Trồng gieo nụ trí rõ nhân lành.
( Ngũ độ thanh thi )
Hãy dừng tráo trở khi đang thế
Hãy giảm quắt quay lúc mất thời.
( Hãy )

Sống trong sạch, đàng hoàng, không bon chen vụ lợi, giữ lương tâm luôn yên ổn:

Mặc người tráo trở tay ngoa ngoắt
Kệ kẻ tranh giành miệng đãi bôi.
( Chia sẻ )
Hãy tránh xô nhau tìm địa vị
Chớ hùa đẩy bạn khỏi nhà quan.
( Khuyên mình )

Luôn tâm niệm trong lòng như lời tự nhắc nhở thường xuyên:

Nuôi tâm sáu khắc gìn không niệm
Dưỡng ý bao thời giữ lặng im.
( Chính đây )

Tu tâm dưỡng tánh cho mình để có thể sống tốt hơn, chan hòa cùng mọi người, có ích lợi cho đời, cho xã hội hơn. Một tư tưởng vị tha rất rõ nét:

Vào đời vô ngã luôn chăm chút
Học đạo vị tha mãi khắc răn.
( Khuyên mình )
Gieo trồng bác ái đi muôn ngã
Gởi gắm từ bi đến mọi người
( Nụ cười nhân ái )
Hãy cấy từ bi cùng mặt đất
Hãy gieo bác ái khắp gầm trời
( Hãy )

Đứng đắn, nghiêm túc là vậy mà lại vui vẻ, lạc quan biết bao:

Cửa hư không mở - xuân còn mãi
Chín suối chưa về - cứ thảnh thơi
( Qua rồi năm tuổi )

Sáu mươi hai tuổi đã dôi xuân
Nghe chồi rạo rực nụ tầm xuân
( Tầm xuân )
Ngay cả trước cái chết vẫn ung dung , cười cợt và không chuộng xa hoa hình thức:

Mừng chết ung dung tiện mọi bề
Khỏi rình rang thổi...tọ...tì...te..!
( Trăng trối )

Mừng và ung dung trước cái chết, xưa nay chắc ít ai được như anh, phải là người thấm nhuần lẽ vô thường trong trời đất.
Và hơn thế nữa, anh còn rất bình tĩnh vị tha khi quyết định hiến tặng thân xác mình để phụng sự cho y học:

Nhục thân xin hiến cho y học
Tro cốt đem về bón đất quê.
( Trăng trối )
Một thái độ sống vô cùng cao đẹp!
Yêu thơ, làm thơ, xin thơ...đến khi chết thì thanh thản quảy thơ theo để đọc:

Chín suối quảy về rỗi đọc chơi!
( Xin thơ )

Thật dễ thương làm sao! Và cũng thật tự nhiên khi tác giả xem cái chết chỉ là sự quay về !...

Ở Lê Đăng Mành, chúng ta tìm thấy lòng yêu thơ thật say đắm. Anh đến với thơ bằng cả tâm hồn, niềm đam mê và sự trân trọng:

Tập mài thư pháp dâng trao bạn
Học chuốt chữ câu kính hỏi người
( Xin thơ )

Tập, học, dâng trao, kính hỏi...Văn thơ đối với anh như một người bạn tri âm, lúc nào cũng tương kính như tân.

Nâng bút xin ngồi xuống chiếu chơi
Thú vui đài các nhất trên đời
( Chiếu thơ )

Chơi thơ thì phải có bạn thơ, nhất là với thơ Đường Luật thì bạn xướng họa là không thể thiếu được. Hơn ai hết, nhà thơ Lê Đăng Mành là người vô cùng trân trọng tình bạn:

Thiếu bạn sách cầm không thích đọc
Vắng người trà rót chẳng buồn nâng
( Tầm xuân- LĐM)

Những câu thơ sau đây làm ta liên tưởng đến những vần thơ tha thiết của Nguyễn Khuyến:

Thơ muốn viết đắn đo chưa viết
Viết cho ai ai biết mà đưa
( Khóc Dương Khuê- Nguyễn Khuyến )

Cùng bạn bình thơ, với Lê đăng Mành, chẳng khác được nhập vào cõi tiên:

Tao nhân bút thẳng xa đường tục
Mặc khách văn bình nhập cõi tiên
( Hạo khí )

Không những yêu quý bạn thơ, ở nhà thơ Lê đăng Mành , ta còn tìm gặp lòng yêu thương thiết tha dành cho nhân loại, cho cõi đời, cho cuộc sống :

Đất trời hào phóng cho hơi thở
Trăng gió bao dung tặng tiếng cười
( Qua rồi năm tuổi )

Tan hợp trùng trùng như sóng bủa
Thì xin san sẻ chút tình thương
( Cảm tàn thu )
Với người khổ cực cần tao nhã
Cùng bạn sang giàu giảm thiết tha
( Nguồn tâm )

Cao và xa hơn là sự gắn bó thiết tha, tình yêu quê hương nồng nàn dù đó chỉ là mảnh đất miền Trung nghèo xơ xác:

Bão quơ phên liếp bao chua xót
Lũ quét chiếu manh bấy đọan trường
( Chiều đông )
Ảm đạm thềm xưa giàn nhện bủa
Đìu hiu vườn cũ nốt gà đưa.
( Mưa xuân )
Mặc xuân dẫu Tết vẫn ra đồng
Trời rét mưa dầm chắng áo bông
( Quê nghèo )
Nghèo khó giao thừa xin đạm bạc
( Quê nghèo )

Cuộc sống ở chốn quê nhà nghèo là thế mà thái độ của nhà thơ vẫn rất an nhiên tự tại:

Thong dong tiêu sái giữa miền quê
( Thanh thản )

Trong hoàn cảnh nào, nhà thơ cũng giữ cho mình thài độ ung dung, bình thản mang đậm phong cách thiền:
Huơ gậy rong chơi tỏa vị thiền
Mặc đời tráo trở vẫn như nhiên.
( Thiền tuệ )
Tánh vốn không ham chỗ rộn ràng
Gần bùn sắc vẫn ánh thường quang
( Sen )

Thường quang - ánh sáng thường chiếu của Đức ADi Đà - phải chăng chính tác giả Lê Đăng Mành đã thấu hiểu, thấm nhuần cái ánh sáng diệu kỳ ấy để có thể cảm nhận được:


Ngay giữa tang bồng soi tánh Phật
Chính trong lãng tử giấu Di Đà
( Nguồn tâm )
Đi giữa vô thường tâm sắc tĩnh
( Bạch mai hoa )
Những ước chan hòa cây hạnh nở
Còn xin thẩm thấu nụ lòng nhân
( Thư pháp )

Tóm lại, thơ Lê Đăng Mành mang nhiều triết lý Phật giáo, pha một chút Nho học nên quan niệm, thái độ sống thật nghiêm túc, khiêm cung, nhưng không thiếu tính vị tha, độ lượng… Tất cả được Lê Đăng Mành chuyển tải qua những bài thơ Đường với một bút pháp dù không thể nói là cao siêu nhưng thật vững vàng, nhẹ nhàng, nhuần nhuyễn cũng không kém phần thi vị.

KHA TIỆM LY


99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, tp Mỹ Tho Tiền Giang
Email: khatiemly@gmail.com

                                        

                                                                                                                                      
                                        x_3ea2b62d photo x_3ea2b62d_zps0cb7a859.gif

2 nhận xét:

  1. Bao giờ xuất bản tập thơ bác Mành hè? Chúc mừng nghe!

    http://images.ubercomments.com/7/402075186ab021c09d.gif

    Trả lờiXóa