Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni 1. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 2. Nam mô a rị da 3. Bà lô yết đế thước bát ra da 4. Bồ Đề tát đỏa bà da 5. Ma ha tát đỏa bà da 6. Ma ha ca lô ni ca da 7. Án 8. Tát bàn ra phạt duệ 9. Số đát na đát tỏa 10.Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da 11.Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà 12.Nam mô na ra cẩn trì 13.Hê rị, ma ha bàn đa sa mế 14.Tát bà a tha đậu du bằng 15.A thệ dựng 16.Tát bà tát đa (Na ma bà tát đa) 17.Na ma bà dà 18.Ma phạt đạt đậu đát điệt tha 19.Án. A bà lô hê 20.Lô ca đế 21.Ca ra đế 22.Di hê rị 23.Ma ha bồ đề tát đỏa 24.Tát bà tát bà 25.Ma ra ma ra 26.Ma hê ma hê rị đà dựng 27.Cu lô cu lô yết mông 28.Độ lô độ lô phạt xà da đế 29.Ma ha phạt xà da đế 30.Đà ra đà ra 31.Địa rị ni 32.Thất Phật ra da 33.Giá ra giá ra 34.Mạ mạ phạt ma ra 35.Mục đế lệ 36.Y hê di hê 37.Thất na thất na 38 A Ra sâm Phật ra xá lợi 39.Phạt sa phạt sâm 40.Phật ra xá da 41.Hô lô hô lô ma ra 42.Hô lô hô lô hê rị 43.Ta ra ta ra 44.Tất rị tất rị 45.Tô rô tô rô 46.Bồ Đề dạ Bồ Đề dạ 47.Bồ đà dạ bồ đà dạ 48.Di đế rị dạ 49.Na ra cẩn trì 50.Địa rị sắc ni na 51.Ba dạ ma na 52.Ta bà ha 53.Tất đà dạ 54.Ta bà ha 55.Ma ha tất đà dạ 56.Ta bà ha 57.Tất đà du nghệ 58.Thất bàn ra dạ 59.Ta bà ha 60.Na ra cẩn trì 61.Ta bà ha 62.Ma ra na ra 63.Ta bà ha 64.Tất ra tăng a mục khê da 65.Ta bà ha 66.Ta bà ma ha a tất đà dạ 67.Ta bà ha 68.Giả kiết ra a tất đà dạ 69.Ta bà ha 70.Ba đà ma kiết tất đà dạ 71.Ta bà ha 72.Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ 73.Ta bà ha 74.Ma bà rị thắng yết ra dạ 75.Ta bà ha 76.Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 77.Nam mô a rị da 78.Bà lô kiết đế 79.Thước bàn ra dạ 80.Ta bà ha 81.Án. Tất điện đô 82.Mạn đà ra 83.Bạt đà gia 84.Ta bà ha. ***Nam Mô Quan Thê Âm Bô Tát*** !

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

VẦN THƠ VÀO HẠ !





HÈ !


Tóc vờn đón mây ghé chơi thường trụ

Mà nghe như cuống quýt tuổi thơ ngây

Bồi hồi dẫm lá vàng con đường cũ

Ký ức trào lan tỏa chạm ngất ngây

Hồn miên man chơi vơi miền quá khứ

Trôi tuột rồi !dòng tắm chỉ lần thôi (1)

Hạ mãi tươi dẫu đông đời tàn úa

Phượng đi… về ..! đau đáu nhớ khôn nguôi./.

      Cảm niệm chiều đi qua nền cũ trường tiểu học Mẫu Tâm.

                                                                 Tiết cốc vũ Nhâm Thìn



(1) Chúng ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông.
Heraclitus


HÈ SANG

Gió Lào tiễn nhánh xuân đi

Ve rền rĩ khúc biệt ly sân trường

Cổng cài bảng phấn vấn vương

Quyên nhặt cánh phượng khảm đường hè sang./.



ảnh NHƯ KHOA

(bờ trái là cánh đồng làng VĂN QUỸ,bờ phải đất trồng màu HƯNG NHƠN)

TRỌ !

Ao phơi bùn hụt hơi chào

Mới hay lùng lác lao xao xóm giềng

Con chim chiền chiện vút lên

Ngộ ra nước trọ nương thềm phù vân.



CÒN NHAU!

Thịt nghe xương hát biệt ly

Chân mắt mặc cả về..đi…xa gần ?

Miệng mũi thở trả cõi trần

Té ra hấp hối cũng cần bên nhau.



hè trên sông Ô LÂU
(ẢNH NHƯ KHOA)




CHƠI!

Lắng nghe nhật nguyệt dạo chơi

Gió mây tuôn gởi muôn lời yêu thương

Lạnh lùng chi với đoạn trường

Thơ chơi tới bến chạm nguồn bể dâu.

                                             Mùa gió lào lamnguyethien




                  Đường phượng bay" ĐOÀN THỊ ĐIỂM "
                            
         ( bên phải là dấu tích trường cũ HÀM NGHI
  
           thời áo trắng quần xanh hò hẹn thuở học trò )




Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

XIN SỐNG THIỆN LÀNH !




Xin sống thiện lành!

   Chiều tàn âm khí bốc ngùn ngụt cái lạnh như cứa đứt thịt da,hắn ngồi ủ rũ một mình,lòng dằn vặt cay đắng khi nhớ về quá khứ ở cõi người ta (cũng may là còn có trí để nhớ về tiền kiếp).Ngẫm lại câu nói cuối cùng giữa hắn và Bá Kiến (1):”- ồ tưởng gì !tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ”.(2)
    Câu nói ấy đến bây giờ nó thấm thía làm sao,té ra ngày ấy hắn lương thiện thì trên dưới ai cũng được nhờ…chao ôi !là buồn,buồn như cái buổi sáng thức dậy sau khi qua đêm với con đĩ Nở (3),chém Bá Kiến xong hắn mê man thiếp sâu một giấc dài,chớp mắt tỉnh dậy thì ra hắn đã nhập cư ở cõi này,cõi âm u lạnh lẽo,người như hắn mà biết run sợ thì cũng tội,không sợ sao được,mới mở mắt loạng choạng lê đi liền bị môt trận đòn tưởng chết thêm lần nữa,nào đinh ba ,xà mâu…của cõi quỷ,sống chung với bầy đầu trâu mặt ngựa dữ dằn ,nhớ thời dọc ngang hắn là thằng quỷ gây ra bao nỗi kinh hoàng cho dân ở cõi người,phá nát bao cảnh hạnh phúc hiếm hoi của người đói khổ,vì hắn say hành động trong vô thức,phá phách trong men say,uống trong say,say bất tân,say “ tới bến”,chưa bao giờ hắn tỉnh để nhận diện được hắn,tuổi bao nhiêu cũng không biết thì mần răng biết nguồn cội bầy đàn nứt ra hắn.Hắn chỉ biết rạch mặt nằm vạ,mở mồm là chửi,”chửi những ai không chửi nhau với hắn và cũng không quên chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn…”Rứa mà về cõi này Chí Phèo là khoai,không là cái đinh chi hết,sừng sỏ như hắn mà không hội nhập được với bầy quỷ dữ mà đành thúc thủ lép vế chịu làm ma lương thiện.
    Tứ cố vô thân,sống quạnh quẽ nuôi hy vọng đợi chờ người xưa !sau đêm trăng ấy hắn biết nhớ mong…Mới đây trong một đêm cuối năm hắn lủi thủi theo sau đám tiểu quỷ cô hồn để kiếm ăn trong lễ giao thừa của cõi trần dâng cúng,chợt hắn trông thấy Thị Nở,đích thị là con đĩ Nở,hắn mừng rỡ vồ vập vẫy gọi…người ấy dớn vành môi đại hạn lên phũ phàng tráo trở ngoảnh mặt,đỏng đảnh ngoáy cái mông trong bộ cánh sặc sỡ diêm dúa ma trơi,bước qua Phèo để nhập bọn với bầy tiểu quỷ công tử mới nhập cư theo diện GT(tai nạn giao thông đua xe ở trần thế) chúng là quỷ con nhà giàu đươc sự trông nom bảo kê của quỷ sếp,thị Nở quên và lơ hắn là phải và quên luôn cuộc sống quá khứ khốn nạn bên bà cô đức hạnh luôn đay nghiến trong túp lều tăm tối ở cõi người, từng bữa no đói thất thường.Chừ làm quỷ nữ thì đua đòi ăn diện theo đóm ăn tàn cùng mớ tiểu quỷ bềnh bồng trong sương khói của đêm trừ tịch.
    Nó ngoa ngoắt làm sao,nhún nhảy đong đưa đi qua đời phèo không cung bậc từ biệt,chao ôi!nó hớ hênh,kênh kiệu cái mũi phình ra như thỏa mãn lắm,giá là ngày ấy thì chúng đã nhào đến bên nhau mà cắn xé cào cấu rồi rạch mặt ăn vạ !Thói đó bây giờ đối với hắn đã nguội tàn,tất cả đều tĩnh lặng,còn chăng chỉ là mùi cháo hành vẫn thoang thoảng đâu đây.
    Hắn đã biết dừng lại,nhận ra thiện ác,lành dữ ! là hạt giống thiện đã manh nha nẩy mầm,biết tránh xa bầy quỷ dữ để làm quỷ thiện lành chừ hắn biết nhìn lại mình “ở cõi người hắn xin làm lương thiện không được về chốn ma làm quỷ không xong”

Chưa bao giờ hắn cảm thấy hạnh phúc và thanh thản như bây giờ,
Chừ hắn vẫn còn ma bầu bạn,đó là lão thầy cúng kiêm hoạn lợn hết thời,lão Tự Lãng khi sống chuyên mê hoặc người “nhẹ dạ cả tin”bây giờ sống gần hắn lão cũng biết ăn năn làm lại đời mình.
    Hình như trí hắn không còn mù mờ nữa nên nhớ ra hắn và lão Tự lãng có họ hàng với nhau(4),giờ đây chúng nó sống giữa bầy quỷ dữ mà huân tập được tánh thiện may ra ánh sáng nguồn cội mới bừng lên,hắn xin dâng một chút tâm hương cho ấm cúng ,hốt nhiên cõi lạnh âm u không còn !.../.

                                                                                                  LAMNGUYETHIEN
                                                                                                          tiết cốc vũ
                                        



(1)-(3) tên nhân vật của NAM CAO
(2) Chữ của Nam Cao
(4)nhân vật của Nam Cao nên có
Họ hàng với nhau.


PHIM LÀNG VŨ ĐẠI NGÀY ẤY
ảnh sưu tầm net

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

CHÙA VĂN QUỸ CHỐN NƯƠNG TỰA BÌNH YÊN!




QUÝ THẦY CÔ DƯỚI THÁNH TƯỢNG QUÁN THẾ ÂM

                                           KHÓA LỄ RẰM VÀ MỒNG MỘT CHÙA VĂN QUỸ

 Ngồi dưới bậc thềm tượng Quán Thế Âm trước cổng chùa làng đợi đến lượt mình nhận quà của đoàn từ thiện về cứu trợ. Tôi lại miên man nghĩ về chùa làng mình đã bao lần cưu mang che chở cho dân vượt qua thống khổ của chiến tranh thiên tai, dịch bệnh.

     Quê tôi vẫn gọi là chùa Văn Quỹ dung dị và mộc mạc như vậy mặc dầu có tên là VẠN AN TỰ hẳn hoi. Thuộc xã Hải Tân, Huyện Hải Lăng nằm tận cùng phía nam tỉnh Quảng Trị cách Thừa Thiên Huế bởi dòng sông Ô LÂU.
                                 
           Mái chùa che chở hồn dân tộc
           Nếp sống muôn đời của tổ tông.
                                                 (Trích câu cuối bài NHỚ CHÙA )
                                                           Thơ Huyền Không

    Có lẽ trên Đất Nước mình, Chùa Quê đều như vậy: Chùa với Đình tuy hai mà một. Nghe quí cụ lão thành kể lại: ngày xưa Chùa và Đình Làng tôi thờ chung trong một ngôi nhà rường năm gian, tiền Phật hậu Linh (trước thờ Tôn Tượng Bổn Sư Thích Ca, sau thờ linh vị THÀNH HOÀNG  (khai khẩn) hai gian tả hữu thờ Thất Tộc (Bảy họ: Lê, Nguyễn, Đỗ, Trần, Ngô, Phạm, Nguyễn).


CHÙA HIẾU QUANG

     Năm 1957, Chùa tổ chức quy y dưới sự chứng minh của Ân sư Thượng Tâm Hạ Thái, pháp hiệu Thiện Trí,tự Hoà Khương, bút hiệu Dạ Sỹ Thiện Trí, thế danh Nguyễn Diệu, sinh năm Đinh Mùi (1907), niên hiệu Thành Thái năm thứ 19. Đại lão Hòa Thượng Thích Thiện Trí, Giáo Phẩm chứng minh Giáo Hội Phật Gíao tỉnh Thừa Thiên Huế, tọa chủ chùa Hiếu Quang. Ngoài kiến thức Phật học, Ngài còn tinh tường về các thể thơ, đối, liễn, nghi lễ và là một soạn giả ca Huế. Ngài xuất gia lúc 12 tuổi, đầu sư với HT Thích Phước Hậu, trụ trì chùa Linh Quang Huế. Năm 27 tuổi (1932), Ngài Thọ Tỳ Kheo, năm 75 tuổi Ngài được Giáo Hội suy tôn lên ngôi vị Hòa Thượng… Về thân thế của Ngài, quê nội là làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, nhưng Ngài được sanh ra và lớn lên cho đến ngày xuất gia tại quê ngoại là làng Văn Quỹ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Chỉ xin trích cuộc đời và hành trạng của HÒA THƯỢNG để hàng đạo hữu chùa Văn Quỹ biết Bổn Sư của mình…(Tiểu sử trích theo Mai Lâm Giám Lục”).

THÁP TỔ KHAI SƠN CHÙA HIẾU QUANG

Mạng mạch Đạo Pháp bén rễ ăn sâu, sum suê hoa trái kể từ đây.

    Tuổi thơ tôi thường theo mạ đi Chùa, mới đầu ngại ngùng e thẹn, tay cứ níu lấy vạt áo dài nối của mạ, ngập ngừng từng bước một vào điện thờ mà run. Mạ trìu mến dỗ dành: - Vào lễ với mạ, Bụt thương con trẻ lắm, con không nhớ Bụt hiện trong chuyện Tấm Cám mà mệ thường kể cho con nghe à. Mà thiệt, ông Bụt ngồi xếp bằng trên cao nớ răng mà hiền, mắt nhìn xuống như nhìn tôi, miệng tủm tỉm cười mãi không thôi, vô tình tôi ngoái nhìn lại sau lưng phía trên cửa ra vào, một ông mắt trợn trắng bóc, mặt đỏ lòm bộ tướng dữ tợn. Tôi níu tay mạ vừa chỉ vừa thụt lùi. (Sau này lớn lên mới biết đó là Ngài Hộ Pháp).

      Bọn con nít chúng tôi càng lâu càng gắn bó với chùa, thường theo mạ đi chùa. Mạ vào lễ còn bọn tôi bày đủ trò phá phách, vô tâm nghich ngợm chơi đùa, nhất là bắt chim, phía sau tượng Ngài Hộ Pháp có bức hoành phi kín đáo cho chim sẽ tha hồ làm tổ. Té ra trông tướng ngài dữ dằn lại quá hiền, bọn tôi leo trèo đụng tay, đụng chân, có đứa cả gan sờ râu, rứa mà đêm về không ai nằm chộ (mơ) và đau ốm chi nơi. Lần đầu trong đời học sinh ôn thi tiểu học  và đệ thất cũng rủ nhau lên chùa học cho thanh tịnh, mau thuộc bài và lạy phật cầu nguyện… ...
     Thế rồi...!

       Chiến tranh bùng nổ ngày càng khốc liệt Tôi đành xa quê, bỏ làng, bỏ chùa tản cư lánh nạn, bước đi mà ngậm ngùi ngoái lại bâng khuâng khi nhớ về câu thơ của Nguyễn Bính mới thấm thía làm sao:

              Mai này Tôi bỏ quê tôi
     Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa !

       Vào Huế, ngày hai buổi đi học đạp xe qua những danh lam thắng cảnh cố đô, những ngôi cổ tự già lam uy nghiêm trầm mặc và những mái chùa nho nhỏ như bóng dáng chùa quê : Hiếu Quang, Cát Tường, Tịnh Bình, cũng thờ Phật, cũng kinh kệ hôm mai mà sao nghe lạ lẫm, không làm cho Tôi khuây khỏa, răng mà nhớ Chùa, nhớ Phật ở làng mình da diết khôn nguôi.
         
   Như Hòa Thượng MÃN GIÁC (thi sĩ Huyền Không) quê làng Phương Lang, xã Hải Ba đã minh chứng: “Tình quê của tôi nó thâm nhập như vậy” nên chi trong thời chiến tranh về thăm làng không được, vào năm 1956 tôi đã sáng tác bài thơ NHỚ CHÙA !
                                         
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Yên lặng chùa tôi ngập nắng vàng(1)

       Lang thang làm thân cùng tử, phiêu bạt nơi xứ người, nhìn Gia Đình PhậtTử “người dưng” sinh hoạt, văng vẳng bên tai những bài hát "Dây thân ái lan rộng muôn nhà, tay sắp xa nhưng tim không xa ….”(2).  “Ra đi lìa xa mái hiên chùa, còn đâu bóng lam hiền…….”(3). Lòng bồi hồi, quay quắt nghèn nghẹn nước mắt chực trào ra thôi. Mỗi chiều hôm nghe chuông chùa ngân nga là mường tượng chuông chùa làng mình chầm chậm rơi rơi, man mác u hoài lãng đãng sương khói đôi bờ ô lâu. 

                 Trại chào mừng kỷ niệm 60 năm GĐPT VN 

                              (Trại sinh gđpt VĂN QUỸ)                                         

  Chiến tranh rồi cũng qua,mái chùa cũng theo từng nhip sống của dân làng mà đứng vững. Nhớ những ngày khó khăn đó, bà con học bổ túc văn hóa, mỗi người đi học đều mang theo một cây đèn dầu hoặc ngọn đuốc bằng tre gặp đêm rằm, mồng một thì ghé chùa góp thêm ánh sáng cho ngôi Phạm Vũ tụng một thời kinh rồi đi học, chưa biết chữ nhưng Chú Đại Bi và Tâm Kinh thì thuộc làu. Thế mới thẩm thấu sự nhiệm mầu bất khả tư nghị “VÔ NHẤT VẬT”  của ánh sáng Vô Tận Đăng của Lục Tổ, nguy khó với chiến tranh, lao đao với bão lũ thì cùng nhau tìm về núp bóng dưới mái chùa quê an bình. Là những nông dân lam lũ, một nắng hai sương với ruộng đồng, được Chư Tôn Đức ở Quảng Trị và Huế thường Quang Lâm sách tấn, được thấm nhuần Đạo vị giải thoát và ánh sáng trí tuệ soi đường đã chắt chiu chăm chút ngôi Gìa lam uy nghiêm cửu trụ an nhiên hằng tại nơi Đất Làng Quê Tôi.   

   



                             ĐẠO TRÀNG NIỆM PHẬT

 Có một ngôi chùa như thế ở miền quê là nơi trưởng dưỡng Đạo Tâm của quý bác trong làng, là nơi tu học khơi  nguồn trí tuệ của Đoàn sinh Gia đình Phật Tử và cũng là nơi ưu ái  dừng chân của các đoàn từ thiện về cứu trợ họp bàn cùng Khuôn Giáo hội phân phối hàng quà trong tinh thần “BẤT NHỊ” của Tâm Kinh: giàu, nghèo, ghét, thương, lương, giáo. Quê tôi có 2 tôn giáo: Phật Giáo và Công Giáo, tín đồ rất đông, là anh em huyết thống và con dân của 7 họ (tộc)

       Cứ mỗi lần bất an, tôi chống gậy lên chùa ngồi yên ả một mình dưới tượng đài Bồ Tát Quán Thế Âm, thấy thanh thản đến lạ lùng, nhìn đoàn sinh GĐPT sinh hoạt lại vẳng về : “ Hôm nay về dưới bóng cha lành, lòng con thấy nhẹ nhàng, vì tâm con yên vui…”(4) Thì lòng khinh an, cảm động đến rưng rưng.
       Chùa làng Văn Quỹ, nơi che chở tuổi thơ tôi rong chơi an lành thì cũng là nơi nương tựa tuổi già chất ngất bình yên giữa phong ba đời thường./.
                                                    
                                               MÙA SEN !
                                   Lãm nguyệt hiên cuối xuân 



(1)trích thơ “Nhớ Chùa”của HT Mãn Gíac
(2)Dây thân ái nhạc của Lê Lừng
(3,4)Về dưới Phật đài nhạc của Trần Nhật Thành



Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

GIỌNG MẠ !





                    NÓN RÁCH ÁO VÁ MẸ QUÊ!
                   

 GIỌNG MẠ

Cái giọng Mạ! âm trầm xa ngái
Chẳng chuốt trau mà mãi mượt mà
Như hò khúc hát dân ca
Tình người sông núi quê nhà thương yêu
Khi vút cao cánh diều cõng nắng
Khi nhẫn nhục thầm lặng mần thinh
Đời là bài pháp vô tình
Bỗng nghe giọng Mạ đượm tình lạ quen
Nó tục diệm truyền đèn vô tận
Tỏ rọi đường lận dận u mê
Thầm thì bát ngát nhà quê
Bất tư nghì giọng Mạ! coi  tề nói năng.
      Cái giọng Mạ nói răng hết được(1)
Bựa ni cho con được tiếp vần
      Dù cho đất động sóng thần
Vẳng nghe giọng Mạ đường trần nhẹ tênh.
                                       
                                                              LÊ ĐĂNG MÀNH

 ngẫu hứng tiếp vần bài thơ
    ( Giọng Mạ của Trụ Vũ.)

(1)THƠ TRỤ VŨ


                                                           HOA BÈO(LỤC BÌNH)





Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

LỄ THANH MINH!

CHÍNH ĐIỆN ĐÌNH LÀNG VĂN QUỸ

  TIẾT THANH MINH VÀ PHONG TỤC    
                VIẾNG MỘ CÔ HỒN

               Của LÀNG VĂN QUỸ XÃ HẢI TÂN

    Một miền quê có truyền thống và nguồn gốc lâu đời cho nên nhiều PhongTục,Lễ Hội mà đến nay vẫn còn bảo lưu, ấn tượng và mang nặng nghĩa tình nhất là lễ Thanh Minh :

Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh(1)


     Cũng vậy,tiết Thanh Minh đã trở thành phong tục làm nên lễ hội Thanh Minh tảo mộ ở quê này mà các miền vùng phụ cận không có.Từ Kẻ Lạng(Lương Điền) đến Câu Nhi,  Kẻ Văn(Văn Qũy)Kẻ Vịnh(HưngNhơn)và AnThơ,Phú Kinh thì cũng có các Làng tổ chức Tế Lễ như Hưng Nhơn Tế Đông Chí,Làng AnThơ tháng mười hai Tế đóng cửa rừng và tháng giêng Tế mở cửa rừng.Không những miền Ô LÂU quặn đau với những thiên tình sử mà còn là mạch nguồn của Lễ Hội ! Rất riêng cho Làng Văn Quỹ kể từ khi lập Làng đã trải qua trên năm Thế kỷ.Tên gọi của Làng Qúy Ngài KHAI KHẨN ,KHAI CANH đã trích từ chữ :XA ĐỒNG QUỸ THƯ ĐỒNG VĂN (2)“Nghĩa là xe đi cùng một đường,sách viết cùng một thứ chữ “ nói lên sự đoàn kết đồng tâm hiệp ý trong mọi việc làm. Mà có tên gọi VĂN QUỸ cho đến bây giờ (pham vi hạn hẹp của bài viết nên chúng tôi chỉ lướt qua để giới thiệu Tên Làng)
   Có lẽ khi Thi Hào Nguyễn Du(1765-1820) phóng tác  Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc “Thanh Tâm Tài Nhân” bằng văn xuôi.Cụ đã chuyển ngữ thành truyện Kiều(1813) với ngôn ngữ và thể thơ lục bát dân tộc và văn tế thập loại chúng sinh càng bổ sung cho lễ hội thêm trang nghiêm ngày càng phong phú nhằm tô đậm nét bản sắc văn hóa của xã hội làng quê vốn đã có từ lâu đời.
   Tiết thanh minh trời lấm tấm rã rích mưa xuân,lất phất hơi rét giêng hai,lúa ngoài đồng vào kỳ thai nghén là nền văn hóa lúa nước cho nên tục ngữ thường nhắc:


Đói thì ăn môn ăn khoai
Chớ thấy lúa lổ giêng hai mà mờng(3)


   Vì vậy lịch thời vụ gieo cấy phải bố trí lúa trổ sau thanh minh mới bội thu,tiết trời bắt đầu trong sáng và nắng ấm cho vùng Trị Thiên.Trong thời điểm này bà con nông dân tất bật với công việc chăm sóc phòng trừ dịch bệnh sâu hại cho cây lúa và rau màu để đến kỳ Thanh Minh cho được rảnh rang mà lo việc xóm,việc làng.
   Hằng năm lễ Thanh Minh sắp xếp chương trình cụ thể hẳn hoi ,được tổ chức hai ngày :
 -Ngày đầu: Buổi sáng tập trung tảo mộ,chạp mả .Buổi chiều Lễ cáo.(và tiếp nhận lễ vật của bà con hảo tâm  dâng cúng)


NHÀ ÂM

-Ngày thứ hai :Chánh lễ với nghi thức cổ truyền tại Đàn Âm Hồn.
   Đàn Âm Hồn nhưng từ lâu trong tiếng gọi dân dã của quê nhà vẫn hai tiếng ngắn gọn chứa chan niềm kính ngưỡng mà linh thiêng là:NHÀ ÂM nơi đây bao truyền thuyết về sự cảm ứng mà muôn đời vẫn ghi nhớ truyền tụng,dẫu cho người chọc trời khuấy nước,cứng đầu ương ngạnh có lỡ bước đi ngang đều phải gập mình nhẹ nhàng lần bước mắt không dám nhìn tiền hậu tả hữu mà chỉ lấm lét như người có tội. Làng Văn Quỹ có bốn xóm,với tên gọi hiền hòa tha thiết: Thượng an,Thái Hòa, Phú Thọ và Đông An.


                       BẾN ĐÒ QUA CHỢ "HÔM" ƯU ĐIỀM
                        THUỘC ĐỊA PHẬN XÓM ĐÔNG AN


              

TÂN CỰU HỘI CHỦ VÀ HỘI ĐỒNG TỘC TRƯỞNG

LÀNG VĂN QUỸ

   Có hai tôn giáo:Phật GiáoCông Giáo nhưng sống đoàn kết chan hòa trong tình làng nghĩa xóm.
   Ban tổ chức gồm quý vị đại diện cho các Họ gọi là Hội Đồng Tộc Trưởng và bầu một vị Hội Chủ để điều hành việc Làng lo tế tự xuân thu nhị kỳ:Kỳ an, Kỳ Phước,Xuân Thủ,Yến Quân,Điền Bạn,Thanh Minh(4) và Giỗ Tổ quý Họ cùng bốn vị đại diện bốn Xóm “Trùm Xóm”để điều hành trong khu vực của mình.
   Ngày đầu dân các xóm tập trung Tảo Mộ trong địa phận xóm mình,được ban tổ chức phân hương đi thắp những ngôi mộ để cung thỉnh chư vị cô hồn ,đa số các mộ phần không có người chăm lo hương khói sóc vọng.Vì thế vừa tảo mộ vừa đắp mới những ngôi mộ bị xói mòn theo thời gian cũng như bị lũ lụt hằng năm quét trôi mất nấm.
   Không phân biệt lương giáo mọi người đều tâm niệm,mổi năm chỉ được một lần dâng hương tảo mộ người khuất mặt,biết đâu đây cũng là huyết thống của Tổ Tiên mình bị thất lạc mộ phần thành ra không nơi nương tựa .Nhìn những nắm đất“sè sè”(5) Như mộ Đạm Tiên”bên những lăng mộ bề thế kiêu sa Long Lân Quy Phụng ngự chầu mà nghĩ phận người chui rúc trong những lều tranh dột nát bên những biệt thự cao sang thì Âm Dương đâu có cách xa…!
    Có lẽ trong ký ức của người con xa quê vẩn đau đáu khát khao được trở về thăm, cùng bà con xóm giềng vác cuốc ra đồng dảy mả một lần cho thỏa nguyện ước ao cháy bỏng ,hằng ôm ấp ngày về quê cũ mà đặt chân trên những địa danh mà tên gọi mộc mạc nhưng chan chứa yêu thương vỗ về như lời ru từ thuở nằm nôi :
    CỒN ĐÙNG

     Lè tè nắm đất nhỏ nhoi
Đất thánh,cồn cợi ,cồn soi,cồn đùng
Cồn chứa, cồn hóp, cồn dương
Đầu cầu đàng đá
,bên đường gởi thân
Luân hồi bao kiếp trầm luân
   Phải chăng huyết thống tiền nhân của mình (6)

   Việc tảo mộ thường được thực hiện trong buổi sáng và Lễ cáo cung thỉnh tại Miếu Đường của từng Xóm.Buổi chiều toàn dân tập trung tại nhà Âm lo vệc đã được phân công,các ban ai lo việc nấy khoảng 16 giờ là lễ cáo với chinh cổ nhạc lễ ,   Suốt đêm quý cụ chức sắc thay phiên nhau túc trực dâng hương .
   Ngoài ra trong đêm các bà các chị trong ban ẩm thực trai soạn sắm sửa trai bàn,bánh trái,phẩm vật,mâm cỗ để sáng ngày dâng cúng. Cứ một năm làm cỗ mặn năm tiếp theo làm bánh chưng bánh tày và quả phẩm.
  Tờ mờ sáng Chánh Lễ, đường làng nhộn nhịp hẳn lên ,Nam thanh Nữ tú đúng là”Ngựa xe như nước,áo quần như nêm”(Truyện Kiều)
   Quý cụ chức sắc,quan viên trong lễ phục áo dài xanh thụng có hoa văn,dân làng thì khăn đen áo dài chỉnh tề lần lượt tập trung về nơi hành Lễ ,nghi Lễ được cử hành theo nghi thức cổ truyền,ban hương đăng bắt đầu làm việc Sau ba hồi chiêng trống nhị vị gia lễ vào hàng, xướng :  
             
-Khởi chinh cổ      (đánh chiêng trống)
_Các tư kỳ sự        (ai làm việc nấy )
_Nhạc sanh tựu vị (nhạc vào hàng)

 Nhạc bắt đầu tấu khúc cung đón vừa dứt gia lễ xướng tiếp :

Chánh bái tựu vị “Chủ Tế và các vị Tộc Trưởng đứng vào vị trí của mình,khói trầm hương nghi ngút hòa quyện với âm thanh nhạc cổ chơi vơi ai oán trong không khí trang nghiêm ấm cúng âm hưởng của bài văn tế bi ai não nùng nhằm bày tỏ lòng tri ân trước vong linh chư vị cô hồn Vị Quốc Vong Thân ,nạn nhân chiến tranh hoặc cây trời hơi gió,dịch bệnh đói khát,lạc chợ trôi sông,oan hồn uổng tử vất vưởng lênh đênh không nơi nương trú.


Dịch bệnh uổng tử thương vong
Cúi đầu phụng thỉnh tỏ lòng dương gian




CÁNH ĐỒNG LÚA GIỮA TIẾT THANH MINH
CỦA HTX VĂN QUỸ


                     BẾN ĐÒ Ô LÂU ĐƯA NGƯỜI QUA SÔNG                           
                                        
 Với đạo lí uống nước nhớ nguồn,Lễ Thanh Minh đã đi vào truyền thống và ăn sâu trong tiềm thức trở thành tập quán của quê hương như vậy đã bao đời nay, là bản sắc vốn quý của làng quê Văn Quỹ.Chắt chiu tài sản tâm linh mà Tổ Tiên đã truyền lại cho hậu thế,là tấm gương khuôn vàng thước ngọc cho thế hệ hôm nay và mai sau biết huân tập lòng từ ái mở vòng tay yêu thương xoa dịu những mảnh đời côi cút giữa cuộc thế vô thường và biết kế thừa chăm sóc những nắm mồ vô chủ nhằm an ủi HỒN XIÊU PHÁCH LẠC cho vong linh kẻ khuất mặt biết hướng đến bến bờ…
   Nơi đây không chỉ Lễ Thanh Minh mà biết bao phong tục đã đi vào nề nếp như Đám Tang,việc cử hành Tang Lễ không ăn uống rình ràng giết hại trâu bò,gà vịt ,không lấy Câu
ăn no to đám mà chỉ chay tịnh trong lúc hiếu sự.
      Những giá trị đạo đức cao đẹp truyền thống trên đây là thừa hưởng tinh hoa bao đời sàng lọc giữ gìn lại.Càng coi trọng giá trị văn minh vật chất bao nhiêu e luân thường đạo lý càng mai một và băng hoại bấy nhiêu. Cho nên những phong tục tập quán thường được sanh ra và nuôi dưỡng bảo lưu từ miền quê
chơn chất phác thực hiền hòa.
   Thành tựu những giá trị văn hóa này cũng là nhờ công sức toàn dân đoàn kết xây dựng và phát huy thế mạnh.Nên  năm 2000
Làng Văn Quỹ vinh dự được Nhà Nước công nhận là Làng Văn Hóa.Duy trì phong tục tập quán là nét đẹp của làng quê là nguồn cội sức sống của dân tộc.
   Là hàng hậu duệ dù sống trong thời đại văn minh trên mọi miền Đất Nước vẫn luôn luôn trân trọng nhằm giữ gìn và khai triển nền văn hóa ấy mãi tuôn chảy dạt dào trong lòng mỗi người dân
LÀNG VĂN QUỸ ./.


                                          TIẾT THANH MINH

                                       4/4/2012 (14/3/nhâm thìn)




Ghi chú:

1.THƠ NGUYỄN DU
2.Thiên Trung dung sách LỄ KÝ:kim thiên hạ xa đồng quỹ thư đồng văn.
3.mờng là mừng,lổ là trổ (TỤC NGỮ)
4.TÊN GỌI :GIỖ,LỄ CỦA LÀNG
5.sè sè nắm đất bên đường
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
(NGUYỄN DU viết về mộ của ĐẠM TIÊN)
6.CHỮ IN ĐẬM là tên cồn mả của làng