ĐỌC “NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ”
ĐƯỜNG THI LÊ NGỌC PHÁI
Châu Thạch
Hiện nay phong trào làm thơ
Đường phát triển rất ngoạn mục trên diễn đàn văn chương nước ta. Ngoài những
trang web và ấn phẩm của Hội thơ Đường luật Việt Nam chuyên về Đường thi,
hầu như trên tất cả các trang web văn chương khác đều có “Góc Thơ Đường” dành
riêng cho bạn đọc và bạn viết yêu thích thể thơ nầy.
Quan niệm chơi Đường thi
hiện nay cũng có hai ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng không nên chơi
Đường thi vì Đường thi là thể thơ cổ điển, luật lệ nghiêm ngặt có nguồn gốc từ
Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc và ta vì đương “cơm không lành, canh
không ngọt” nên tẩy chay nó đi là vừa. Tuy nhiên, đại đa số các nước trên thế
giới đều thấy được rằng thể loại thơ Đường hiện đang tồn tại ở Việt Nam chính
là thơ Đường của Việt Nam. Thơ Đường tuy phát xuất từ Trung Quốc nhưng du nhập
vào nước ta đã hơn cả ngàn năm, được ông bà ta chắt lọc, cách tân và biến hóa
thành văn hoá nước nhà. Ngay tại Trung Quốc, thơ Đường cũng đã biến mất từ lâu.
Vậy chơi Đường thi là bảo tồn và phát huy cái hay của người xưa để lại. Trong
nhiều năm gần đây, Liên Hiệp Các Hội UNESCO Việt Nam đã quan tâm đến thể thơ
Đường luật của Việt Nam và đã tạo điều kiện để duy trì và phát triển thể thơ
này thông qua Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Văn chương Việt Nam và một số đơn vị
hoặc tổ chức thơ văn khác. Trong phong trào phát triển mạnh mẽ của thơ
Đường hiện nay, tác giả Lê Ngọc Phái, cựu Giảng viên Đại học Huế, hiện là thành
viên của Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh và Chánh Văn Phòng của Trung tâm
UNESCO Nghiên cứu Văn chương Việt Nam đã phát hành tập thơ “Những Dấu Ấn Lịch
Sử” vào đầu năm 2015.
Tập thơ ‘Những Dấu Ấn
Lịch Sử” gồm có 88 bài thơ Đường luật viết về lịch sử Việt nam từ thời Hùng
Vương cho đến khởi nghĩa chống Pháp ở Yên Bái năm 1930. Mỗi bài thơ còn kèm
theo hình ảnh và chú thích để minh hoạ thêm nội dung. Tập thơ dùng Đường thi để
kể lại những vinh quang của dân tộc Việt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước trước
hoạ xâm lăng phương Bắc.
Ở trang đầu Thượng Toạ
Thích Thiện Thông (Trụ trì chùa Sắc Tứ Minh Thiện Khánh Hòa) đã tán dương tập thơ
bằng một bài Đường thi có hai câu kết như sau:
Tác phẩm vinh danh bao chiến tích
Giả, chơn minh định đẹp vô bờ.
Nhà thơ Nguyễn Văn Quang
(Cựu GSTHNH) trong bài Đường thi cũng cảm tác, khái quát được nội dung của sách
như sau:
Bao trang sách, tạc bao thần tượng
Mỗi áng thơ, ghi mỗi tấm lòng
Sự tích anh hùng lưu hậu thế
Vinh danh hào khí giống Tiên Rồng.
Và Châu Thạch tôi cũng cảm
tác một bài tứ tuyệt như sau:
Một áng văn chương lắm sắc bông
Đường thi ghi dấu bậc anh hùng
Nghìn thu rạng rỡ hồn dân Việt
Xây
dựng giang sơn giống Lạc Hồng.
Trên đây chỉ xin trích một
vài khen tặng ngắn gọn có tóm tắt nội dung của tác phẩm, còn lại nhiều bài của
các nhà thơ, các nhà phê bình thơ, các nhà trí thức, các Hòa Thượng, Thượng Toạ
viết tỉ mỉ hơn về giá trị của “Những Dấu Ấn Lịch Sử” thì còn nhiều.
Về giá trị văn chương
của “Những Dấu Ấn Lịch Sử” thì nhà thơ nhà giáo Võ làng Trâm cảm tác bốn câu
đầu của một bài Đường thi như sau:
Tập thơ- lược kể các danh nhân
Truyền bá sử ta đẹp mọi phần
Thông suốt luật niêm không trái ý
Chỉnh chu phép đối giữ thông vần
Nhà thơ Kim Hoa có bài tứ
tuyệt như sau:
Tiếng thơ khơi động tiếng gươm khua
Vệ quốc, an dân nghiệp kế thừa
Lịch sử ngàn năm bừng sống dậy
Thầm nghe chí lớn của người xưa.
Với chỉ hai nhận xét
nêu trên cũng đủ xác nhận được
tập thơ với những bài Đường
thi sít sao, chuẩn xác luật Đường thi một cách “Thông suốt luật niêm không trái
ý/ Chỉnh chu phép đối giữ thông vần” và tiếng thơ
“ khơi động tiếng gươm
khua” làm cho người đọc cảm nhận được “Lịch sử ngàn năm bừng sống dậy/ Thầm nghe
chí lớn của người xưa”. Vậy thì về giá trị văn chương của “Những Dấu Ấn Lịch Sử”
thiết nghĩ không cần bàn tới nữa.
Từ xưa ông cha ta đã dùng
Đường thi để công bố chủ quyền đất nước, hịch quân sĩ , vinh danh tổ quốc thân
yêu và cho đến nay những bài thơ như thế không bao giờ thiếu. Tuy thế, một tập
Đường thi dành riêng để tôn vinh “Những Dấu Ân Lịch Sử” của dân tộc như tập thơ
của tác giả Lê Ngọc Phái thì rất hiếm, hoặc nếu không lầm thì hình như không
có. Thật như thế thì nhà thơ Lê Ngọc Phái là người có sáng kiến tiên phong,
đáng trân trọng và hy vọng như nhà văn Nguyễn Khắc Phước đã viết: “Một
ngày nào đó, tôi tin rằng những bài thơ trong tập NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ sẽ xuất
hiện trong sách giáo khoa”.
Đến đây Châu Thạch tôi nghĩ
không nên viết gì thêm, để dành phần còn lại cho người tìm và đọc, khám phá
những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc qua cây bút tài hoa Lê Ngọc Phái ./.
Châu Thạch
Nguồn từ email của Tác giả:truongvantran@hotmail.com