Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni 1. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 2. Nam mô a rị da 3. Bà lô yết đế thước bát ra da 4. Bồ Đề tát đỏa bà da 5. Ma ha tát đỏa bà da 6. Ma ha ca lô ni ca da 7. Án 8. Tát bàn ra phạt duệ 9. Số đát na đát tỏa 10.Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da 11.Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà 12.Nam mô na ra cẩn trì 13.Hê rị, ma ha bàn đa sa mế 14.Tát bà a tha đậu du bằng 15.A thệ dựng 16.Tát bà tát đa (Na ma bà tát đa) 17.Na ma bà dà 18.Ma phạt đạt đậu đát điệt tha 19.Án. A bà lô hê 20.Lô ca đế 21.Ca ra đế 22.Di hê rị 23.Ma ha bồ đề tát đỏa 24.Tát bà tát bà 25.Ma ra ma ra 26.Ma hê ma hê rị đà dựng 27.Cu lô cu lô yết mông 28.Độ lô độ lô phạt xà da đế 29.Ma ha phạt xà da đế 30.Đà ra đà ra 31.Địa rị ni 32.Thất Phật ra da 33.Giá ra giá ra 34.Mạ mạ phạt ma ra 35.Mục đế lệ 36.Y hê di hê 37.Thất na thất na 38 A Ra sâm Phật ra xá lợi 39.Phạt sa phạt sâm 40.Phật ra xá da 41.Hô lô hô lô ma ra 42.Hô lô hô lô hê rị 43.Ta ra ta ra 44.Tất rị tất rị 45.Tô rô tô rô 46.Bồ Đề dạ Bồ Đề dạ 47.Bồ đà dạ bồ đà dạ 48.Di đế rị dạ 49.Na ra cẩn trì 50.Địa rị sắc ni na 51.Ba dạ ma na 52.Ta bà ha 53.Tất đà dạ 54.Ta bà ha 55.Ma ha tất đà dạ 56.Ta bà ha 57.Tất đà du nghệ 58.Thất bàn ra dạ 59.Ta bà ha 60.Na ra cẩn trì 61.Ta bà ha 62.Ma ra na ra 63.Ta bà ha 64.Tất ra tăng a mục khê da 65.Ta bà ha 66.Ta bà ma ha a tất đà dạ 67.Ta bà ha 68.Giả kiết ra a tất đà dạ 69.Ta bà ha 70.Ba đà ma kiết tất đà dạ 71.Ta bà ha 72.Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ 73.Ta bà ha 74.Ma bà rị thắng yết ra dạ 75.Ta bà ha 76.Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da 77.Nam mô a rị da 78.Bà lô kiết đế 79.Thước bàn ra dạ 80.Ta bà ha 81.Án. Tất điện đô 82.Mạn đà ra 83.Bạt đà gia 84.Ta bà ha. ***Nam Mô Quan Thê Âm Bô Tát*** !

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

NHÂN CÁCH THƠ TRONG “CHIỀU ĐI”


NHÂN CÁCH THƠ TRONG “CHIỀU ĐI” 
TẬP THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH
Lời Bình Châu Thạch
Tôi đồng ý với nhà thơ Luân Hoán khi ông nói: “nhà thơ bày tỏ lòng mình như trình diện một nhân cách”. Tôi cũng đồng ý với nhà thơ Phạm Đức Nhì khi ông nói: “Nhân Cách (viết hoa) của cái tôi đích thực sẽ kín đáo bước vào trong thơ và người đọc tinh ý sẽ nhận ra ngay, đâu cần phải trình diện”. Với tôi, nhà thơ khi sáng tác thì đã gởi hết cái tôi của mình vào tác phẩm, cho nên dầu không cố ý trình diện cũng phải phô bày cái tôi đích thực của mình, nghĩa là tự nhiên trình diện nhân cách với đời. Ta có thể hiểu như thế khi đọc “Chiều Đi” tập thơ của Lê Đăng Mành. Ai biết lê Đăng Mành thì cũng cảm mến một thi sĩ tài hoa sống nhún nhường, ẩn dật nơi vùng quê hẻo lánh. Không bao giờ có chuyện nhà thơ nầy muốn trình diện nhân cách mình với đời. Tuy thế, ai đọc thơ lê Đăng Mành thì cũng cảm phục nhân cách cao trọng được bày tỏ qua thơ anh mà tôi xin gọi là “nhân cách thơ Lê Đăng Mành”. “Chiều Đi” là một tác phẩm văn dĩ tải tình, tải đạo, một thứ tình cao thượng và một thứ đạo siêu thoát.
I)-Tải tình cao thượng trong “Chiều Đi”:
Trong “Chiều Đi” rất ít bài thơ viết về tình yêu nam nữ của riêng mình. Tác giả dành nhiều tình yêu cho những thành phần chịu thiệt thòi trong xã hội. Ta hãy nghe nhà thơ thổ lộ:
Thương đêm khắc khoải lời ru
Thương tình rều rác trầm phù đợi nhau
Thương người cuốc bẩm cày sâu
Thương ong bướm vỗ rách câu đa tình…!
                          ( Thương!)
Nhà thơ thương cho Mẹ ru con trong nghịch cảnh, thương cho tình duyên ly tan phải đợi chờ, thương cho người nông dân và thương cho những cuộc tình không thành. Nổi bật trong các thứ tình yêu đó là tình “Thương người cuốc bẩm cày sâu” mà tác giả đã bộc lộ cho người đọc hiểu thấu được nhân cách cao thượng trong thơ của mình. Nhiều bài thơ trong “Chiều Đi” Tác giả viết về nhũng sinh hoạt của người nông dân có truân chuyên, có gian khổ nhưng không với mục đích mô tả đời sống u ám sau lũy tre Làng mà ngược lại, nhà thơ bày tỏ tấm lòng của mình với đời sống đó, tôn vinh một cuộc sống thanh bần cao khiết:

Kiếp nông bần uống rượu…cũng kiệm lời
Chẳng khoa trương chuyện thương nòi yêu nước
Mà sử sách ghi mỏi trang bốn ngàn
Chân lấm tay bùn trí soi văn sách
Khoa bảng vọng đồng văn thánh còn ngân.
                    (Tiệc rượu giữa đồng!)
Xin trích một phần nhận xét của nhà thơ Nhã My(USA) về thơ Lê Đăng mành như sau: “Nhưng cho dù phong ba vùi dập, bão táp phủ lên quê nghèo và phủ lên cả thân phận con người thì đối với tác giả lê Đăng Mành, với nhân cách và tâm trạng của một người từng trải, sống an nhiên, bằng cái tâm, cái đạo, đạt lý thông tình, thơ anh không tủi hờn ai oán, không than thân trách đời, không cầu kỳ mộng ảo. Dòng thơ anh luôn giữ được sự điềm đạm, an nhiên sống hài hòa với cảnh vật thiên nhiên và trong chiều hướng vươn lên bằng những hy vọng tốt đẹp hơn”. Thật vậy, đọc Lê Đăng Mành ta không thương người nông dân với thứ tình yêu ban phát, bố thí mà qua thơ ông ta tôn trọng người nông dân như những con người kiên cường, đức độ, thâm thúy và tri thức. Lê Đăng Mành đã trình diện được chiều sâu trong tâm hồn của lớp người nông dân trên ruộng đồng, sau lũy tre và bên Hiên Lãm Nguyệt, đem đến cho ta sự chia sẻ, yêu thương và kính nể .

II) – Tải đạo siêu thoát trong “Chiều Đi”
Trong bốn câu thơ “Khai Lời” của tác giả ở trang đầu tập thơ “Chiều Đi” có hai câu thơ sau:

Thơ thong dong dù phên bừng tơi tả
Cứ tiêu pha cho hết cuộc yên hà…

Đọc hai câu thơ nầy ta nghĩ đến một đạo sĩ sống vô vi, hòa nhập cùng trời đất. Thật vậy, phong cách sống của Lê Đăng Mành ngoài đời và trong thơ giống nhau. Bên Hiên Lãm Nguyệt nhà thơ tiêu pha tinh túy của đất trời vào thơ của mình và trong thơ mình nhà thơ Lê Đăng Mành lại tải cho đời triết ly đạo Phật  sâu xa về siêu thoát. Với 146 bài thơ trong “Chiều Đi” tư tưởng Phật giáo hầu như lồng vào trong bất cứ bài thơ nào. Khác với những bài thơ Thiền của đa số Thi Sĩ hay Tu Sĩ, thường dùng từ ngữ khó hiểu, ý tứ bí hiểm, đề cao tư duy của mình như tư duy thần thánh, thơ Lê Đăng Mành chữ nghĩa giản dị, chân phương, không trừu tượng, ít ẩn dụ, khiến cái tư duy bác học của mình thành thơ , truyền tải thẩm thấu vào  hồn người đọc. Chất lãng mạn, chất cao siêu trong thơ Lê Đăng Mành làm cho người thâm Nho, người hiểu Phật hay người bình thường đều đọc được thơ, cảm xúc được với hồn thơ và sự giác ngộ đến tự nhiên trong tâm linh mỗi người. Ta hãy nghe chất lãng mạn trong vài câu thơ của bài thơ “Hoa Đăng”: “Đỉnh rằm ánh tỏa muôn nơi/ Rủ rơm vàng nhả thơm rơi quanh Làng”, “Giọt cười lấp lánh mắt sương/ Cá tung tăng vẫy hớp đường phóng sanh”, “Mừng khánh đản nụ tâm nhiên/Đăng khai bát nhã tịnh yên xóm làng”. Qua những câu thơ trên ta thấy lễ Phật Đản không náo nhiệt ồn ào mà êm ái, thơ mộng trong cảnh quê và trong cả tâm hồn con Phật. Và ta hãy nghe lời thuyết pháp nhẹ như bông hồng:

Mặt trời cần mẫn thức
Hành tinh mãi mãi xanh
Sân trước cành mai nở
Cầu pháp giới an lành

Chúng sanh đón bình minh
Muôn mùa xuân miên viễn
Tâm bình thế giới bình
Tự tại bước an nhiên.
( Tâm Bình Thế Giới Bình)
Một triết lý cao siêu nhiệm mầu được Lê Đăng Mành trình bày bằng những câu dễ hiểu như thế,nhẹ nhàng như thế có nhiều trong mỗi bài thơ của “Chiều Đi”, khiến cho đọc “Chiều Đi” ta thấy vẫn có lũ lụt, có mưa sa, có bão tố, có chia ly nhưng tâm hồn ta vẫn  như an trú vào nơi đồng cỏ xanh tươi mé nước tịnh bình. 

“ Chiều Đi”, một tập thơ dày với rất nhiều tuyệt tác mà thật tình tôi nghĩ với trình độ ai cũng không diễn đạt hết những cái hay trong đó. Tôi không trích dẩn nhiều thơ ông ra đây một phần vì khuôn khổ một bài đăng trên mạng không thể dài, một phần vì tôi nghĩ nên giới thiệu sơ lược tổng quát một vườn hoa tươi đẹp để khách vào thăm, hơn là ngắt một vàì bông hoa thì khách chỉ nhìn thấy những đóa hoa bị héo.  Tập thơ “ Chiều Đi” viết về cuộc sống, về niềm vui, về nỗi thăng trầm của đời người, của tình  yêu, của thời cuộc, của những nỗi đau bệnh tật và nỗi đau do tha nhân đem đến. Dầu ở đề tài nào thì thơ Lê Đăng Mành cũng tha thiết, trong trẻo, vô biên và quyến luyến. Thơ Lê Đăng Mành chứa đựng đầy ắp tình người, tình quê với một nhân sinh quan thấm nhuần Phật pháp.
Mong rằng tập thơ sẽ đến tay được nhiều người vì đọc nó ta tìm được một tâm hồn cao thượng trong cuộc sống đời thường, một phong cách sống vượt trên mọi nghịch cảnh và một triết lý cao siêu về sự giác ngộ phần hồn./.
                                                                            Châu Thạch


Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Đọc “MỘT BUỔI TRƯA” Thơ Bùi Giáng Lời bình: Châu Thạch


Đọc “MỘT BUỔI TRƯA” Thơ Bùi Giáng

                                Lời bình: Châu Thạch
Một Buổi Trưa” thơ Bùi Giáng là một trong những bài thơ được xếp vào “những bài thơ tỉnh táo của Bùi Giáng”. Đọc thơ không ai là không thấy nó hay nhưng thật sự nếu hỏi là nó hay chổ nào? nó hay cái gì? thì chắc không ai là không lúng túng. Lúng túng vì toàn bộ bài thơ có 20 câu, mỗi câu như một xâu chuổi ngọc, và mỗi xâu chuổi ngọc đó lung linh một màu sắc khác lạ mà chúng ta không đoán ra đó là thứ ngọc gì. Đọc bài thơ nầy không mấy ai dám nói rằng tôi hiểu hết bài thơ nhưng cũng không mấy ai dám bảo rằng nó nói lung tung, mơ hồ, điên loạn. Trong chừng mực nào đó tôi xin mạo muội lấy cái trí óc non dại của mình để thảo luận về bài thơ, mong khám phá một chút ít mùi hoa trong thứ hương thơm bí hiểm mà nhà thơ Bùi Giáng cống hiến cho đời.
Xin hãy đi vào vế thơ đầu tiên của “Một Buổi Trưa” để ta thấy ngay cái buổi trưa của nhà thơ thật là kỳ diệu:

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Một buổi trưa mà “Mây trên trời phủ xuống ngang vai” phải là một buổi trưa ở trên đỉnh núi cao, bởi vì chỉ có ở nơi đó thì mây mới xuống ngang vai được. “phương cảo” là pho sách thơm (đúng hơn là pho sách hay). “Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc” hiểu một cách nôm na là cảnh vật ở đây có những nét lung linh đẹp như ngọc. Màu ngọc đó phơn phớt màu của những pho sách hay. “ Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai” Hiểu một cách nôm na là mộng mà không thành, mộng đi mộng lại hay là lơ mơ lúc tỉnh lúc mơ.
Vế thơ cho ta cảm giác gì? một cảm giác nằm lim dim giữa bầu trời cao rộng. Và cho ta cảm nhận được gì? Cảm nhận một chốn đẹp thần tiên đầy ắp màu sắc thiên nhiên và mùi thơm của tri thức trong kho sách nhân gian lan tỏa ở đây. Có thể tác giả đương nằm trên núi cao mà cũng có thể tác giả nằm dưới thấp nhưng đang mơ một khung trời tuyệt vời trong ước muốn của ông.
Bây giờ xin vui lòng bước qua vế thứ hai của bài thơ để thấy một “em” rất vô hình trong giấc mơ Bùi Giáng:

 Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

“Em có định sẽ cùng ai kể lể” là một câu nghi vấn mà không có dấu hỏi, nó có công dụng cho ta biết tác giả không trực tiếp hỏi em mà tự nhủ trong lòng mình. Câu thơ nầy cũng cho ta một phỏng đoán có thể em đang ở đó và cũng có thể em không có đó, nghĩa là tác giả đang một mình giữa bao la suy nghĩ về em. “Em” trong ba câu thơ còn lại như là một bóng ma. Bóng ma có một cuộc đời “hư huyễn giữa chim bao”, sống ở một vùng “hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” mà nơi đó là một nơi có thể hiểu là nơi vô định vì nó có  “một mùi hương nồng tụ” mà tác giả không biết  “ở nơi nào”.
Vế thơ nầy cho ta cảm giác gì? Cảm giác một bóng người lãng đãng trong một khung trời ảm đạm. Và cho ta một cảm nhận gì? Cảm nhận đây là linh hồn của tác giả. “Em” ở đây không ai khác là tâm thần của người nằm mộng. Cái tâm thần đó đã trãi qua bao hệ lụy của cuộc đời, nay nó bước ra từ tâm tác giả và hóa hình vào trong  cơn mơ  ấy. Cái tâm thần đó u ám trong lòng tác giả, nay nhân dịp thể xác êm ái trong giấc trưa, nó hiển hiện trong cơn mơ làm nên một bóng dáng của bao điều hệ lụy.
 Hãy qua vế thứ ba của bài thơ. Ta sẽ thấy trong vế thơ nầy người con gái câm lặng đi trong cô đơn, trong khung trời buồn thảm:

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

“ Câu chuyện ấy một lần em đã rõ/ Để bây giờ không thể lại phanh phui” nghĩa là em dấu kín “một nỗi đời hư huyễn”, “một vùng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” là uẩn khúc của đời em trong trái tim câm nín của mình. Và rồi “Hờn dung nhan em có sợ bên người?”Bên người” là người nào?. Là Bùi Giáng hay bên người là loài người? Có thể cả hai. Linh hồn đau thương đó không muốn ở với thể xác “người” thi sĩ, một người hứng chịu đắng cay. Cũng có thể linh hồn đau thương đó chán nản loài người, một loài người đã đày đọa linh hồn thi sĩ. Để rồi “em” hay chính cái linh hồn đau thương đó âm thầm trên con “Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ”.
Vế thơ nầy cho ta thấy một hình bóng nhẩn nhục trong sự đắng cay tận cùng và nỗi cô đơn của bóng người tìm đi trong một ‘khung trời sương lổ đổ’
Vế thơ thứ tư miêu tả “em” như tất cả sự rã rời:

 Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

“Em” ở đây ta cứ hình dung là một người con gái. Người con gái “ đi xuống khung trời sương lổ đổ” với dáng dấp khép con mắt, đóng làn mi, vòng tay ôm ngực. Phải chăng dáng dấp đó buồn não nuột.
Vế thơ nầy cho ta hình dung một mỹ nhân với con mắt,với làn mi tuyệt vời, với “Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại” nhưng hầu như không còn sức sống nữa. Nàng đã thể hiện cho một linh hồn chán chường cuộc sống. Linh hồn đó một lần bỏ đi đánh động trang đời thi sĩ và đánh động cả mùa thu làm rơi bao nhiêu lá úa:

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Dẫm trang đời lá rụng uá thu phai

Bây giờ mây không “xuống phủ trên vai nữa” mà mây “về ở dưới chân trời”. Bước chân người “ngại ngùng” bước vào “nẻo mộng” trong câu thơ ở vế một trở thành “bước chân vội vã” của hiện thực. Gót ngọc của em đã dẫm lên trang đời, làm “lá rụng úa thu phai”. Như vậy mơ ở phút ban đầu trở thành hiện thực trong phút cuối. Đúng hơn là mơ y như thật, vì không phải chỉ là tâm hồn mà cả con người đã hóa thân vào cơn mơ đó. Em trong thơ vẫn là em nào đó, nhưng em mang trọn vẹn tâm hồn Bùi Giáng trong thơ.
Nói về hình thức thì đây là một bài thơ tiết tấu trầm bổng, âm điệu lôi cuốn làm cho người ngâm thơ thỏa sức trình diễn làn hơi của mình, khiến cho người nghe thơ say đắm theo âm thanh mà chẳng cần chi hiểu ý vẫn thấy thỏa lòng. Nói về nội dung thì đây là một bài thơ đầy chất thơ mộng, sâu nhiệm ý thơ và cấu tứ khác lạ làm cho bài thơ khó hiểu được tường tận mà vẫn cảm nhận được cái hay của nó. Tác giả đưa mình đi vào trong mơ và biến linh hồn mình thành hình bóng trong mơ. Người thơ thường lồng nỗi buồn trong mưa, trong gió nhưng Bùi Giáng lồng nỗi sầu bi trong khung cảnh đẹp tuyệt vời khiến cho nỗi sầu thấm thía ấy trong khung cảnh ấy làm thăng hoa bài thơ. Người nữ huyền ảo trong mơ là người yêu của tác giả? hay là linh hồn của tác giả? Điều đó tùy theo nhận xét của mỗi người nhưng đọc thơ, ai cũng cảm nhận được khối đau thương vô vàn ấy, như một trái tim hồng tươi đựng trong chiếc bình bằng ngọc. Bình bằng ngọc ấy là bài thơ của Bùi Giáng./.
                                               Châu Thạch
Thơ BÙI GIÁNG
MỘT BUỔI TRƯA
Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai.

Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào

Câu chuyện ấy một lần em đã rõ
Để bây giờ không thể lại phanh phơi
Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ
Hờn dung nhan em có sợ bên người?

Con mắt ấy vì sao em khép lại
Làn mi kia em thử ghé lên nhìn
Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại
Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin

Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Lùa chân mây về ở dưới chân trời
Bước vội vã một lần nghe gót ngọc
Dẫm trang đời lá rụng uá thu phai

BÙI GIÁNG

Một buổi trưa (II)

Một buổi trưa đi về trong ngõ nọ
Nắng trên trời đổ xuống lá trên cây
Màu tóc gội con mắt mờ em có
Nhớ vô cùng bữa nọ đến hôm nay

Về cổ lục cũ rồi câu chuyện cũ
Và cảo thơm không mới nữa bên đèn
Và sương sớm hay chiều buông liễu rủ
Biết thề nào mà nói lạ hay quen

Bữa hôm nay lại nhìn ra xanh lá
Xanh trời xanh mây tụ ở chân trời
Chợt nhớ lại buổi trưa về em ạ
Giấc mơ màng bóng nọ ở bên tôi

Nguồn: Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội nhà văn, 1993
Nội dung liên quan
© 2004-2016 VanachiRSS

Bạn bị lạc trong Thi Viện vì có quá nhiều nội dung?